Chủ tịch Quốc hội: Quảng Nam cần kiên quyết rà soát lại các dự án treo, chậm tiến độ

Ngọc Mai| 27/07/2022 14:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quang Nam tại thành phố Tam Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý nội dung trên.

chu-tich-quoc-hoi-quang-nam-can-quyet-liet-giai-quyet-du-an-treo.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường báo cáo, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động về thăm, làm việc với Quảng Nam – địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước vào dịp rất thiêng liêng kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Có sự phát triển vượt bậc, song quy mô kinh tế còn khiêm tốn

Theo Chủ tịch Quốc hội, Quảng Nam thực sự là vùng địa linh, nhân kiệt, vùng đất cách mạng kiên trung, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, thời kỳ nào cũng có những đóng góp hết sức to lớn cho đất nước, là địa phương có số đối tượng chính sách, người có công với cách mạng rất lớn, lên tới hơn 23% dân số của tỉnh, trong đó có 65.400 liệt sỹ, hơn 30.700 thương, bệnh binh, trên 45.500 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 11.800 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày... Đặc biệt, Quảng Nam là tỉnh có số lượng Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất cả nước với 15.332 mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu, chiếm hơn 1/7 số Bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước.

Quảng Nam nằm trong trục giao thông chính từ Bắc vào Nam; thuộc vùng duyên hải và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hành lang kinh tế Đông - Tây; có đường biên giới với Lào và đường bờ biển dài; điều kiện tự nhiên vừa có núi, có rừng, vừa có biển, vừa có cảng biển, vừa có cảng hàng không, đường sắt; là nơi triển khai mô hình Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước; có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Hát bài chòi... Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những lợi thế này, Quảng Nam thực sự có tiềm năng lớn để phát triển, có triển vọng đột phá không chỉ trước mắt mà còn cả lâu dài, không chỉ phát triển nhanh mà còn có dư địa để phát triển bền vững.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc, vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực, quy mô kinh tế đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ; tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức cao, bình quân đạt gần 11,3%/năm, trên mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước. Riêng năm 2021, dù kinh tế trong nước rất khó khăn do tác động của đại dịch Covid – 19, nhưng GRDP của Quảng Nam vẫn tăng 5,04%; 6 tháng đầu năm nay đã lấy lại đà tăng trưởng đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 4 cả nước và có mức tăng trưởng cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thu ngân sách tỉnh có sự tiến bộ vượt bậc, năm 2021 đạt 23 nghìn tỷ đồng, dẫn đầu các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là 1 trong 16 tỉnh thành có đóng góp vào ngân sách trung ương; 6 tháng đầu năm nay đã đạt 78,8% dự toán Trung ương giao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ chiếm gần 86%, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2005 - 2021 đạt 13-14,4%...

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Quảng Nam đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách người có công, là một trong những địa phương thực hiện tốt nhất và có nhiều mô hình, cách làm hay thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Nhất trí với đánh giá thẳng thắn về những khó khăn, hạn chế của tỉnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: quy mô kinh tế của tỉnh tuy đã ngày càng mở rộng nhưng cũng vẫn còn khiêm tốn; hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tạo năng lực sản xuất mới còn hạn chế; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp; kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, chuyển đổi số chưa có đột phá, còn ở mức trung bình so với cả nước...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục quan tâm, đánh giá kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó có các giải pháp kịp thời và phù hợp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, mong muốn của Trung ương, lãnh đạo địa phương và yêu cầu của người dân.

Phải chủ động chuẩn bị tổ lớn mới đón được đại bàng

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Quảng Nam tiếp tục rà soát lại chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và tỉnh, kiểm đếm lại từng việc để quyết liệt triển khai thực hiện. “Các chiến lược, khung khổ, kế hoạch hiện nay đều đã cơ bản đầy đủ, địa phương nào tập trung triển khai nhanh, quyết liệt thì địa phương đó sẽ thắng. Cần xây dựng phương án vừa tổng thể, vừa chi tiết để tìm ra hướng phát triển bù lại thời kỳ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu đối với tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong quý 4 năm nay, bám sát Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch và hướng dẫn của Chính phủ. Trong đó, phải thể hiện được tư duy, tầm nhìn phát triển trong Quy hoạch tổng thể này để định hướng cho tương lai, đặt trong khung khổ phát triển vùng mà tới đây Bộ Chính trị sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ. Đồng thời, phải hết sức chú ý tính kết nối của Quảng Nam với Quảng Ngãi và các địa phương trong Hành lang kinh tế đông tây, mở rộng không gian phát triển cho tỉnh.

Nhấn mạnh Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang cũng phải đặt trong Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, tỉnh Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án cụ thể trình cấp có thẩm quyền, xác định rõ những vấn đề nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, vấn đề nào thuộc thẩm quyền Quốc hội, Bộ Chính trị, Trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sẵn sàng hỗ trợ những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Trong Quy hoạch tổng thể của tỉnh cũng phải định vị tầm nhìn phát triển của TP. Tam Kỳ. Quảng Nam cần chủ động xây dựng Đề án về điều chỉnh địa giới hành chính TP. Tam Kỳ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Quảng Nam cần rà soát quy hoạch sử dụng đất, tích hợp với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh. Cùng với việc chú trọng lấp đầy các khu công nghiệp đã có, Chủ tịch Quốc hội nhất trí đề xuất của tỉnh về việc mở khu công nghiệp mới thì không chỉ căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy các khu hiện có mà cần có tầm nhìn xa hơn, dài hơi hơn, “phải chủ động chuẩn bị tổ lớn mới đón được đại bàng. Đây là vấn đề hầu như tỉnh nào cũng có ý kiến”.

Đánh giá Quảng Nam là một trong những hình mẫu phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid – 19, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh cần tập trung đầu tư cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm phục vụ du lịch, môi trường du lịch, doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là phải có sản phẩm du lịch mang tính bứt phá, tham khảo cách làm du lịch của các trung tâm du lịch lớn của thế giới, chuyển đổi tư duy để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Với đề xuất của tỉnh về Khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án này là một trong những ví dụ điển hình trong giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ vừa qua cũng đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ, tập trung giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam kiên quyết rà soát lại các dự án treo, chậm tiến độ, còn vướng mắc do các kết quả thanh tra, kiểm tra, điều tra, quyết liệt xử lý dứt điểm và đảm bảo lợi ích của các bên theo quy định của pháp luật. Tới đây, trong Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng sẽ xem xét vấn đề này để tránh lãng phí nguồn lực phát triển của đất nước.

Ghi nhận các kiến nghị của địa phương về các dự án đầu tư, nâng cấp một số tuyến quốc lộ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các kiến nghị này đều hết sức quan trọng, đây đều là các tuyến giao thông trọng điểm, có tính chất kết nối hành lang kinh tế đông - tây, tạo động lực cho sự phát triển, do đó cần nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn theo phương châm Trung ương và địa phương cùng làm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Nam tiếp tục làm tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đền ơn đáp nghĩa; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp...

Về các đề xuất của tỉnh liên quan tới phương thức đầu tư theo hình thức PPP, về vốn đầu tư và các vấn đề liên quan tới tài chính, ngân sách như tỷ lệ điều tiết, cải cách tiền lương…, Chủ tịch Quốc hội giao các cơ quan của Quốc hội rà soát các quy định liên quan của pháp luật để nghiên cứu, cần thiết có thể trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ Tư tới hoặc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để tạo thuận lợi cho địa phương phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: Quảng Nam cần kiên quyết rà soát lại các dự án treo, chậm tiến độ