Chủ tịch QH: Bắc Kạn cần lựa chọn phù hợp để phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Hoàng Thị Hoa| 22/06/2016 18:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 22/6, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Bắc Kạn.

Nội dung làm việc nhằm kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Văn phòng Quốc hội.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du cho biết, ngay từ đầu năm tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, đó là phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường; nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên…Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình phát triển kinh tế xã - hội đã đạt được một số kết quả khá khả quan. Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tình hình nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2010-2015, nhân dân trong tỉnh đã hiến trên 130.000 m2 đất, đóng góp hơn 408.000 ngày công... cùng thực hiện các công trình nông thôn mới.

Chủ tịch QH: Bắc Kạn cần lựa chọn phù hợp để phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm và tặng quà Mẹ Liệt sĩ Lý Thị Ấp, thôn Bản Còn, xã Nông Thịnh, huyện Chợ Mới. Trọng Đức - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, tỉnh có địa bàn đặc biệt khó khăn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa còn khá lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, mật độ dân cư thưa thớt, vì vậy huy động sức dân trong xây dựng nông thôn rất hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư để hoàn thành chương trình nông thôn mới là lớn. Ví dụ như để thực hiện đúng quy định một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới như giao thông(100% đường trục xã, liên xã; 50 đường thôn xóm được cứng hóa; 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao đạt quy định của Bộ văn hóa-Thể thao và Du lịch) là rất khó khăn, nhất là đối với tỉnh có thu ngân sách hằng năm mới đạt khoảng 10% nhu cầu chi. Bên cạnh đó, mục tiêu của chương trình không cho phép lựa chọn địa điểm để đầu tư nên nguồn lực phân bổ rất dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bắc Kạn trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Nhấn mạnh Bắc Kạn là tỉnh miền núi duy nhất trong cả nước có dân số dưới 500 nghìn dân, địa hình bị chia cắt mạnh, có đồng bào dân tộc thiểu số. Với đặc thù như vậy nhưng kể từ khi tái lập vào năm 1997 đến nay, hằng năm, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kạn đều tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm.

Trong chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Bắc Kạn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ để tạo ra những bước chuyển biến trong công tác cán bộ. Theo Chủ tịch Quốc hội đây là giải pháp quan trọng để khắc phục những khó khăn và thực hiện thành công những kế hoạch Bắc Kạn đưa ra. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Bắc Kạn không có điều kiện về mặt bằng đất đai cũng như nguồn nhân lực để thu hút đầu tư. Do đó, tỉnh cần có những chọn lọc phù hợp trong phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên nước đầu nguồn, môi trường rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu để phát triển du lịch, bởi Bắc Kạn có khá nhiều tiềm năng, trong đó có du lịch sinh thái hồ Ba Bể. Tỉnh cần có chính sách để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư vào hạ tầng du lịch. Ngoài ra, công tác bảo đảm an sinh, xã hội cũng cần đặc biệt được quan tâm, nhất là đối với việc đào tạo và giải quyết việc làm với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Ghi nhận kết quả bước đầu của Bắc Kạn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các địa phương có lợi thế về cây trồng, thổ nhưỡng tại Bắc Kạn đang dần được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bước đầu hình thành và phát triển một số vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng như cầu thị trường. Một số sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý như: hồng không hạt, quýt Bắc Kạn, miến dong Bắc Kạn, gạo bao thai Chợ Đồn. Một số cây trồng đã thực hiện việc liên kết gắn với đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và liên kết thu mua sản phẩm như dong riềng, thuốc lá…Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mặc dù sản xuất nông lâm nghiệp đã có những bước phát triển nhưng tỉnh cần phải mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao và có tính cạnh tranh.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hiện nay Bắc Kạn chưa có xã nông thôn mới, toàn tỉnh mới có hai xã đạt 15-16 tiêu chí nông thôn mới. Bình quân mỗi xã trong tỉnh đạt 8 tiêu chí. Mục tiêu xây dựng 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 và dự kiến 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là một nhiệm vụ khó với Bắc Kạn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù đối với những tỉnh miền núi có điều kiện quá khó khăn, nếu không sẽ tạo độ chênh rất lớn ngay trong các tỉnh miền núi với nhau khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và làm việc tại huyện Chợ Mới. Qua ngheo báo cáo của huyện Chợ Mới và xã Nông Thịnh, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao lợi thế của địa phương là huyện cửa ngõ của tỉnh, có yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Dù là một địa phương còn nghèo, nhưng xây dưng hạ tầng nông thôn ở Chợ Mới được thực hiện một cách đồng bộ. Hiện 100% học sinh các cấp học, bậc học của huyện đến trường đúng độ tuổi; công tác trồng rừng đạt hiệu quả cáo, tình hình an ninh trật tự được giữ vững… là nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Chợ Mới.

Cho rằng, định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của địa phương là rõ ràng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chợ Mới cần tập trung phát triển nông nghiệp, trồng rừng và nỗ lực hơn trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, thay vì ỷ lại sự hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương, Chợ Mới cần tận dụng chính sách để phát triển kinh tế- xã hội, bởi thực tế nhiều chính sách đã có nhưng chưa thực hiện, chưa tận dụng hết. Với xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các cấp ủy đảng, chính quyền Chợ Mới đoàn kết, tập trung phấn đấu, quyết tâm cao hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa bộ mặt nông thôn Chợ Mới ngày càng thay đổi, phát triển.

*Chiều cùng ngày, tại Bắc Kạn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tới thăm và tặng quà gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Nhim tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới; gia đình mẹ liệt sĩ Lý Thị Ấp tại thôn Bản Còn, xã Nông Thịnh, huyện Chợ Mới; thăm và tặng quà gia đình ông La Quang Khải, thương binh hạng 1/4 trú tại tổ 9B, trú tại phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch QH: Bắc Kạn cần lựa chọn phù hợp để phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái