Ngày 25/2, Chủ tịch nước đã đến thăm và làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng KHCN, đa ngành, đa lĩnh vực có chất lượng cao, giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước.
Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng được mời thỉnh giảng các bộ môn Hiến pháp - chính trị, kinh tế; trường học của nhiều bậc trí thức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đại học Quốc gia Hà Nội quy tụ gần 1.900 giảng viên, trong đó 3/4 là các tiến sỹ, phó tiến sỹ, giáo sư và phó giáo sư; hàng năm tổ chức trung bình 364 chương trình đào tạo, thu hút 36.000 sinh viên theo học, tương đương với quy mô của các Đại học quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm phòng truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội
Các chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra, nâng cao khả năng thích ứng với thị trường lao động ASEAN và quốc tế. Mỗi năm có khoảng 500 lượt giảng viên cùng 1.000 học viên nước ngoài đến giảng dạy, học tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong năm 2015, nhà trường đã tổ chức thành công hai đợt thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy, đảm bảo các tiêu chí: an toàn, chất lượng, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng quy chế, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao. Năm 2015 cũng là năm học sinh THPT chuyên Đại học Quốc gia Hà Nội ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế với tổng số 8 Huy chương Vàng. Trường cũng tiếp tục tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN; công bố nhiều công trình nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội trong khu vực và thế giới. Hiện, Tổ chức xếp hạng đại học QS đã xếp Đại học Quốc gia Hà Nội vào nhóm 191-200 các đại học hàng đầu châu Á, đứng đầu trong số các trường đại học của Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi với Chủ tịch nước, các giáo sư, các nhà quản lý của Đại học quốc gia đã đề nghị đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc, khuyến nghị các chính sách để chuyển nhanh tính chất mưu sinh sang cống hiến đối với các nhà khoa học; đánh giá bằng tài năng, tính hiệu quả, giảm bớt sự câu nệ về bằng cấp, tạo điều kiện phát triển Đại học Việt - Nhật.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thì những nỗ lực của đội ngũ các giảng viên, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia là rất đáng trân trọng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách. Tuy nhiên vị trí nằm trong nhóm 190 đến 200 các trường Đại học châu Á chỉ là bước khởi đầu nếu so với yêu cầu bức bách của đất nước. Đại học Quốc gia phải trở thành một căn cứ điểm để đánh giá trình độ hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong bối cảnh hội nhập. Muốn vậy cần phải có sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, các nhà quản lý chính sách và của đội ngũ trí thức.
Đối với tiến độ Dự án xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc, Chủ tịch nước cho rằng với nguồn vốn ngân sách hiện nay, vẫn rất cần tận dụng những cơ sở cũ đồng thời lựa chọn để tập trung hoàn thiện dứt điểm một dự án thành phần với đầy đủ các chức năng. Về hướng phát triển của đại học Việt - Nhật, một thành viên mới của Đại học Quốc gia, Chủ tịch nước đánh giá cao sự chủ động của Ban Quản lý dự án, đồng thời đề nghị nhà trường cùng các bộ ngành tìm thêm cơ chế hỗ trợ, khẩn trương hoàn thành giai đoạn Báo cáo khả thi để tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản.
Chủ tịch nước cho rằng, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng khắt khe. Muốn tiến tới hiện đại hóa như các nước phát triển, một trong những điều kiện tiên quyết là tri thức. Với vai trò là cơ sở giáo dục trọng điểm hàng đầu, Đại học Quốc gia Hà Nội phải hết sức cố gắng, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học; ứng dụng các mô hình quốc tế tiên tiến, đem lại hiệu quả vượt bậc.