Chủ tịch nước: Tham gia các FTA thế hệ mới tạo sự thống nhất về nhận thức và sức mạnh tổng hợp trong hội nhập

PV| 24/06/2016 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 23/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp đoàn đại biểu các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới”.

Diễn đàn do Bộ Công Thương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Chủ tịch nước đã nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cùng những kiến nghị, đề xuất của một số đại biểu doanh nghiệp về các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong thời gian tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện thương mại, ứng dụng công nghệ trong quản lý, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

Chủ tịch nước: Tham gia các FTA thế hệ mới tạo sự thống nhất về nhận thức và sức mạnh tổng hợp trong hội nhập

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, việc thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào những thành tựu chung của đất nước.

Chủ tịch nước khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới đất nước. Xuyên suốt từ Đại hội VI, Đảng đã đề ra tư tưởng chỉ đạo hội nhập quốc tế phải giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội (CNXH), đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực. Đây chính là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vừa kiên định về nguyên tắc chiến lược, vừa mềm dẻo, linh hoạt về sách lược trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc xử lý các vấn đề quốc tế của đất nước trong quá trình hội nhập.

Theo Chủ tịch nước, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

Chủ tịch nước: Tham gia các FTA thế hệ mới tạo sự thống nhất về nhận thức và sức mạnh tổng hợp trong hội nhập

Các FTA thế hệ mới như TPP và EVFTA bao trùm không chỉ các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn điều chỉnh cả các vấn đề đằng sau đường biên giới, liên quan tới thể chế, chính sách nội địa (như doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm công, sở hữu trí tuệ) và cả các vấn đề tuy không phải là thương mại nhưng liên quan chặt chẽ tới hoạt động thương mại (như lao động, môi trường…).

Đây cũng là các FTA có tiêu chuẩn cao, với mức độ tự do hóa sâu và các đòi hỏi cải cách thể chế mạnh mẽ… Các FTA này khi có hiệu lực sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới thể chế của các bên liên quan. Tham gia các FTA giúp chúng ta có cơ hội cơ cấu lại xuất, nhập khẩu lành mạnh hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào từng thị trường. Cán cân thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác sẽ tăng cao sau khi có FTA.

Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ hội và thách thức, nhiệm vụ trọng yếu khi tham gia các FTA thế hệ mới trong từng ngành, từng lĩnh vực để tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập.

Nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là xây dựng được chương trình hành động cụ thể, chú trọng vào chiến lược sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường dài hạn, phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ để khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, các bộ, ngành chức năng, cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh việc tham gia các thể chế thương mại-tài chính-tiền tệ khu vực và toàn cầu; xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ để tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước: Tham gia các FTA thế hệ mới tạo sự thống nhất về nhận thức và sức mạnh tổng hợp trong hội nhập