Chủ tịch nước: Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích mà có thật về “thép nở hoa”

Hoàng Oanh| 30/04/2022 10:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích mà có thật về “thép nở hoa”. Sự hồi sinh thật khó hình dung từ một vùng đất bom cày đạn xới. Kinh tế và đời sống xã hội tỉnh Quảng Trị hôm nay không ngừng phát triển, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tối 29/4, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quê hương, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban ngành, các địa phương và hàng ngàn người dân Quảng Trị.

anh-1-ttg.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi Lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, đến với Quảng Trị hôm nay, 50 năm sau ngày giải phóng, chúng ta chứng kiến sự đổi thay, vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, khí thế mới.

Theo Chủ tịch nước, Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích mà có thật về “thép nở hoa”. Sự hồi sinh thật khó hình dung từ một vùng đất bom cày đạn xới, nay kinh tế và đời sống xã hội tỉnh Quảng Trị không ngừng phát triển, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Ghi nhận những thành quả đã đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho tỉnh nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, trong ngày vui hôm nay, tỉnh Quảng Trị vinh dự lần thứ hai được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. 

anh-2-huan-chuong.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã giành được trong suốt 50 năm qua.

“Với tấm lòng trân trọng đối với quê hương Quảng Trị anh hùng, tình cảm yêu mến đối với đồng bào, đồng chí Quảng Trị, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ vượt qua thách thức, đoàn kết thống nhất, đổi mới, năng động, sáng tạo và bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước đến năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, góp phần đem lại sự phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Hãy phấn đấu để Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải trở thành biểu tượng trỗi dậy mới về phát triển kinh tế - xã hội, hãy tạo nên những “kỳ tích sông Thạch Hãn và sông Bến Hải”, để tri ân các bậc tiền nhân, xương máu của cha ông đã hòa xuống những dòng sông bất tử; xứng đáng với trang sử hào hùng, oanh liệt của vùng đất địa danh này”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tại lễ kỷ niệm,  Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng đã ôn lại lịch sử vẻ vang nhưng thấm đẫm đau thương của mảnh đất Quảng Trị. Vào năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải của tỉnh Quảng Trị được chọn làm ranh giới tạm thời hai miền. Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đưa quân xâm lược miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để tiến đánh miền Bắc xã hội chủ nghĩa. 

Trước tình hình đó, quân và dân Quảng Trị cùng các lực lượng vũ trang đã anh dũng chiến đấu, đập tan âm mưu tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đến ngày 1/5/1972, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng.

anh-3-bthu-qtr.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng ôn lại lịch sử vẻ vang của Quảng Trị

Trong 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị, rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, máu xương các anh đã hòa vào dòng sông Thạch Hãn, và nằm lại tại Thành cổ Quảng Trị.

Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã làm thay đổi cục diện, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975.

Đi ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, Quảng Trị phải gánh trên mình hậu quả hết sức nặng nề: trên 95% làng mạc bị tàn phá. Từ một nền kinh tế đi lên từ con số âm sau chiến tranh, và manh mún, lạc hậu khi mới lập lại tỉnh, nay đã có sự phát triển khá toàn diện với những mũi đột phá, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh riêng có. 

anh-4-.jpg
Toàn cảnh buổi Lễ

Từ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển năng lượng tái tạo đã có bước tiến quan trọng, đúng hướng; môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước đến với Quảng Trị. 

Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá trong nhiều năm liên tục, quy mô kinh tế được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước: Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích mà có thật về “thép nở hoa”