Chủ tịch nước: Đồng ý TANDTC xây dựng Đề án tăng cường hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự

Thu Vân-Mai Thoa| 15/12/2017 18:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Phiên họp thứ tư BCĐ Cải cách tư pháp TW, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, BCĐ cơ bản đồng ý giao TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Chủ tịch nước: Đồng ý TANDTC xây dựng Đề án tăng cường hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương

Chiều 15/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ Tư. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2018 và chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2018; báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam về kết quả hợp tác với UNDP về khảo sát chỉ số công lý và phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp; báo cáo của TANDTC về việc đổi mới và tăng cường công tác hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính...

Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành Dự thảo báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2017 và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong năm 2017. Đa số các ý kiến đồng ý về sự cần thiết nghiên cứu xây dựng chỉ số tư pháp, đề xuất giao Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu Đề án về xây dựng chỉ số tư pháp.

Đồng thời, khẳng định việc phát huy vai trò của hòa giải, đối thoại nhằm quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài...”. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần lập thành dự án trước khi triển khai thí điểm. Dự án cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, thời gian, kinh phí, tài liệu, địa điểm triển khai thí điểm.

Phát biểu kết luận phiên họp, tổng kết những kết quả triển khai nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo đã thực hiện nghiêm túc chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp” do Đại hội lần thứ XII của Đảng thông qua và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, nổi bật là tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại; hoàn thiện các đề án về vị trí việc làm, triển khai thực hiện các đề án về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; chỉ đạo việc đổi mới phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến hoạt động tư pháp.

Cùng với đó là việc tăng cường hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức nước ngoài trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư pháp, cải cách tư pháp; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, các quy định của pháp luật về hoạt động tư pháp... Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ đạo việc nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ phát sinh theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tương trợ tư pháp...; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các đề án về vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị.

Về chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện chế độ họp định kỳ 3 tháng/lần theo đúng quy định của Bộ Chính trị và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Cùng đó, Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016 - 2021; bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp...” do Đại hội lần thứ XII của Đảng đã thông qua; các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018 trên từng lĩnh vực cụ thể...

Thông báo ý kiến về báo cáo, đề xuất của Đảng đoàn Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam về khảo sát chỉ số công lý; cơ bản tán thành phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp nêu trong báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam.

Do đây là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống tư pháp, Chủ tịch nước đề nghị Hội Luật gia Việt Nam cân nhắc kỹ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký, đồng thời lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để xây dựng được bộ tiêu chí phù hợp, có tính khả thi trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

Đồng tình với Đề án của TANDTC

Tại phiên họp, báo cáo thêm về việc đổi mới và tăng cường công tác hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, hàng năm Tòa án phải xét xử số lượng lớn các loại vụ án hình sự, dân sự, hành chính,…lượng án luôn quá tải.

Trước thực tế đó, Ban cán sự Đảng TANDTC lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác Tòa án, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác Tòa án nói chung và giải quyết các vụ án dân sự, hành chính nói riêng. Tuy nhiên thực trạng xét xử các loại án này đang quá tải và có chiều hướng tăng lên. Nhiều vụ án dân sự, hành chính xét xử qua nhiều cấp (sơ thẩm phúc thẩm, nhưng vẫn tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm), các bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh  hưởng đến quyền lợi của người dân, giảm niềm tin của nhân dân đối với công tác Tòa án.

Chủ tịch nước: Đồng ý TANDTC xây dựng Đề án tăng cường hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Để nâng cao chất lượng hơn nữa, BCS Đảng TANDTC đã đề ra 14 giải pháp và quán triệt đến các Tòa án tích cực triển khai thực hiện trong thời gian tới; trong đó có giải pháp nâng cao hiệu quả trong hòa giải các vụ án dân sự, đối thoại giải quyết các vụ án hành chính.

Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến 2020 cũng đã đề ra nhiệm vụ: “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài;…Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án…”. Tiếp đó, Nghị quyết 37 của Quốc hội năm 2013 cũng đã yêu cầu TANDTC chỉ đạo các Tòa an ‘Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự” trong toàn hệ thống TAND. Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã quy định về vấn đề này.

Qua theo dõi những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án cũng có nhiều tiến bộ, trung bình hằng năm đạt 50% số vụ án dân sự phải giải quyết, cá biệt có những Tòa án tỷ lệ này là 60-70%.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới có nền tư pháp phát triển, hòa giải, thương lượng là chế định được quy định trong BLTTDS và được nhìn nhận là phương thức phổ biến, hữu hiệu; được khuyến khích để giải quyết các tranh chấp. Tại Ấn Độ, từ 2009, Tòa án cấp cao Delhi thành lập trung tâm hòa giải gắn với Tòa án do Hội đồng điều hành lãnh đạo bao gồm 4 Thẩm phán và 4 Luật sư, quyết định vấn đề chính sách. Việc hòa giải do các Hòa giải viên tiến hành. Hòa giải viên được tuyển từ nguồn Thẩm phán đã nghỉ hưu, Luật sư…Chi phi hòa giải thấp hơn xét xử rất nhiều.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, BCS Đảng TANDTC đề xuất: Xây dựng Đề án toàn diện về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Cho phép tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải phòng theo kinh nghiệm của chuyên gia Mỹ, Ấn Độ; Xây dựng giáo trình về hòa giải, đối thoại để giảng dạy tại Học Viện Tòa án cho các chức danh tư pháp…

Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành Dự thảo báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2017 và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong năm 2017.

Đa số các ý kiến đồng ý về sự cần thiết nghiên cứu xây dựng chỉ số tư pháp, nhất trí với đề xuất giao Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu Đề án về xây dựng chỉ số tư pháp, phù hợp với Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Đồng thời, khẳng định việc phát huy vai trò của hoà giải trong giải quyết án dân sự, đối thoại khi giải quyết án hành chính nhằm quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.

Đồng tình với đề xuất của TANDTC, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã đề cập đến một vấn đề khác cũng rất quan trọng. Đó là, qua đi kiểm tra thực tế ở các địa phương các cơ quan như: Toà án, Viện Kiểm sát hiện nay biên chế cán bộ có không đủ để giải quyết kịp thời, dẫn đến tình trạng quá tải, tồn đọng. Nếu thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, nhiều cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ; do vậy cần có cơ chế về việc xác định biên chế đối với một số cơ quan tư pháp ở địa phương và Ban chỉ đạo cũng cần phải bàn bạc về vấn đề này để có cách khắc phục.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng đồng tình và cho biết, một số nước cũng đã có Trung tâm hòa giải này. Đây cũng là chủ trương của Đảng và đã được thể hiện trong các Luật đã ban hành. Tuy nhiên cần có nghiên cứu sâu thêm để chỉ ra cách thức cũng như phân chia giai đoạn thực hiện theo lộ trình phù hợp.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo ghi nhận kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2017.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra về CCTP.

Ban chỉ đạo cơ bản đồng ý giao TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở đó, đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước: Đồng ý TANDTC xây dựng Đề án tăng cường hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự