Nhiều người cho rằng, có thể tạo ra hàng trăm nick ảo để “thích gì nói nấy” trên mạng xã hội, rồi sau đó lại bằng vài thủ thuật đơn giản là xóa được mọi vết dấu... Nhưng bằng nghiệp vụ an ninh mạng, hoàn toàn có thể xác định được chủ tài khoản ẩn danh.
“Ngày xưa chúng ta sống trong hang động, sau đó sống trong thành phố, bây giờ chúng ta sống trên mạng”. Đó là câu nói nằm trong siêu phẩm The Social Network (sản xuất năm 2010) nói về sự hình thành của mạng xã hội Facebook của đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Mỹ David Fincher. Câu nói tuy đơn giản về mặt nội dung nhưng đã diễn tả trọn vẹn xu hướng sống con người trong xã hội hiện đại.
Mạng xã hội - Cuốn nhật ký cá nhân để mở
Cuộc sống mạng được diễn tả nôm na là: chúng ta ăn Facebook, ngủ Facebook, gặp gỡ bạn bè cũng… Facebook, và Facebook cả khi… đi vệ sinh. Nhưng tất nhiên Facebook cũng chỉ là một trong rất nhiều mạng xã hội khác hiện đang cùng tồn tại và làm cho xã hội mạng toàn cầu ngày càng trở nên sôi động.
Cuộc sống mạng không khác đời thường với đủ mọi cung bậc cảm xúc, có đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố; còn cư dân mạng có thể yêu nhau trên Facebook nhưng cũng sẵn sàng nói lời ly biệt, thậm chí dùng Facebook để đánh chửi, hạ bệ nhau.
Làm sao sống chung với thông tin trên mạng xã hội? Minh họa: DAD
Với suy nghĩ Facebook cũng như nhiều mạng xã hội khác là cuốn nhật ký online, mang tính cá nhân nên chủ tài khoản có quyền thể hiện mọi suy nghĩ của mình mà không phải chịu sự “áp chế” của bất kỳ ai, hay bất kỳ tổ chức chính trị, xã hội nào. Theo họ, một khi đã đồng ý với điều khoản sử dụng của Facebook, tạo thành công tài khoản Facebook, thì nghĩa vụ duy nhất họ cần tuân theo ấy là không vi phạm những điều khoản này để tránh bị penalty (phạt) hoặc block (chặn)…
Trong khi đó, báo chí thời mạng xã hội với cơ chế truyền tin thần tốc, nguồn tin cởi mở, phong phú hơn, Facebook giữ một thị phần đặc biệt, thậm chí còn được ưu ái dành hẳn cho một chuyên mục hoặc chuyên đề trên nhiều trang báo, trang tin điện tử như Facebook nhà Sao, Vòng quanh Facebook... Và thật kỳ quặc là, cuốn nhật ký mang tên mạng xã hội nói chung và nhật ký Facebook nói riêng dường như đã không làm đúng chức năng “nhật ký cá nhân” của mình khi được chủ tài khoản cài đặt ở chế độ public (công khai) thay vì private (cá nhân).
Rồi khi mà họ vô tư thể hiện cá tính, vô tư tiết lộ thâm cung bí sử của bản thân hoặc của người khác, hay vô tư đánh giá, rủa xả người khác - theo cách nghĩ của mình…, thì ngay lập tức, tất cả những điều này cũng… vô tư xuất hiện chình ình trên mặt báo - từ nhỏ đến lớn, từ lá cải đến chính thống. Thông qua ngòi bút “sắc sảo” của nhiều tay viết thích giật tít câu view, thông tin lại được truyền đi trên nhiều mạng xã hội mà không biết đến khi nào mới dừng lại. Lại kỳ lạ hơn, theo nhận định của nhiều người, trong khi những tin tích cực (tốt) có vẻ ít được chú ý, thì tin xấu, tin giật gân lại được đặc biệt quan tâm.
Triệt hạ đối phương bằng tài khoản ẩn danh
Nắm bắt được xu thế trên, nhiều người đã lợi dụng chính mạng xã hội để trục lợi hoặc để hạ bệ người nổi tiếng hay đối thủ theo nhiều cách thức khác nhau. Mạng xã hội cũng chính là nơi để những đối thủ kinh doanh trên thương trường thực hiện mục đích cạnh tranh theo cách thức không lành mạnh bởi đặc tính “ưu việt” của xã hội mạng: thông tin lan truyền nhanh, chi phí thấp, và nhất là khả năng “ném đá giấu tay” bằng các tài khoản ảo (?).
Có lẽ, không ít người quên, năm 2016 là năm mà làng giải trí trong nước chứng kiến sao quả tạ bất ngờ giáng xuống các nghệ sĩ Việt vốn được công chúng yêu mến. Điển hình như vụ vợ chồng ca sĩ Thu Minh, ca sĩ Thái Thùy Linh không chỉ bị trưng biển “đòi nợ” mà còn liên tục bị “bêu xấu” trên Facebook.
Xa hơn và nổi tiếng hơn là vụ “Tập đoàn thánh bóc” gây thất điên bát đảo làng giải trí Việt hồi cuối năm 2014. Thời điểm đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số nickname Huyen Nguyen, Thánh Cô Cô Bóc, Tuyết Anh Trần, Minh Minh Phan… Các nickname này tự thành lập ra cái gọi là Tập đoàn Thánh bóc, và liên tục đăng những bài viết cùng hình ảnh cá nhân của các doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng showbiz như: Trương Thị Phượng, Vũ Khắc Tiệp, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, người mẫu Trần Ngọc Linh Chi, Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Xuân Lan… với nội dung rất dung tục, xuyên tạc, bôi nhọ, xâm hại đến đời sống cá nhân, danh dự nhân phẩm của họ.
Thông tin trên mạng xã hội: thật - giả khó lường. Tranh minh họa
Hay như gần đây nhất, Công ty TNHH Happy Secret (Trụ sở: 21 Phan Bội Châu, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM) gần đây đã gửi đến Báo Công lý một lá đơn cầu cứu. Trong đơn, đại diện Happy Secret cho biết, thời gian qua, Công ty đã bị vô số thông tin xuyên tạc, bôi nhọ uy tín thương hiệu Top White cũng như xâm hại đến quyền lợi các đại lý của Công ty trên mạng xã hội Facebook và YouTube.
Cụ thể, theo đại diện Công ty Happy Secret, một số đối tượng đã lập trang web giả mạo; tạo ra hàng loạt trang Facebook kêu gọi khách hàng tẩy chay sản phẩm Top White; lập nhiều tài khoản Facebook ảo khác nhau… Tiếp đó, những đối tượng này liên tục đăng tải nhiều bài viết và video với thông tin không đúng sự thật trên Facebook và YouTube cùng lời lẽ xúi giục, kích động, bôi nhọ Công ty. Không dừng lại ở đó, những clip lắp ghép, dàn dựng tưởng chừng “khá tinh vi”, cùng những hình ảnh ghê rợn nhằm thể hiện một điều rằng, dung nhan của người đẹp ABC nào đó bị “tàn phá” là do… sử dụng sản phẩm Top White của Happy Secret.
Thực tế, những hành vi trên đã gây hoang mang lớn cho khách hàng, gây thiệt hại nặng nề cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và theo đại diện của Happy Secret, đây là hoạt động có chủ đích, có tổ chức của một nhóm người với mục tiêu triệt hạ, xóa sổ công ty.
Còn trong vụ Tập đoàn Thánh bóc, các sao nổi tiếng nằm trong “blacklist” của những “thánh” này không chỉ bị cộng đồng xã hội tẩy chay, lên án, mà còn bị đối tác kinh doanh hủy hoặc cắt hợp đồng gây thiệt hại vô cùng lớn về mặt tinh thần và vật chất. Đáng chú ý có thể kể đến ca sĩ Hồ Ngọc Hà bị các nhãn hàng mà cô là gương mặt đại diện thương hiệu đề nghị hủy, cắt hợp đồng gây thiệt hại hàng tỷ đồng; hay thậm chí doanh nhân Trương Thị Phượng phải thuê vệ sĩ bảo vệ 24/24 do sức khỏe, tính mạng hai con bà bất ngờ bị đe dọa…
Hãy đợi đấy!
Là một chuyên gia an ninh mạng, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng và An ninh mạng Quốc tế ATHENA phải thừa nhận một thực tế là việc mạo danh, thành lập hàng trăm nick ảo để tung những thông tin sai sự thật, bôi nhọ, làm mất uy tín doanh nghiệp trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube... diễn ra khá nhiều và ngày càng phức tạp. Không chỉ tin text (văn bản), nhiều đối tượng còn kỳ công đầu tư hình ảnh, thậm chí ghi hình, dàn dựng các clip với độ “chân thực, tự nhiên, và sống động” khiến người xem dù đa nghi đến đâu cũng phải… gật đầu ngay tắp lự.
Tin càng “đáng tin” thì mức độ thiệt hại gây ra cho đối phương sẽ càng lớn. Theo ông Thắng, nếu thông tin sai sự thật, chỉ trong vòng 7-8 ngày sẽ bùng lên thành khủng hoảng, làm doanh nghiệp mất thị trường mất niềm tin người tiêu dùng và có thể thiệt hại hàng tỷ đồng. Bởi tâm lý của nhiều người nói chung là, không có lửa làm sao có khói.
Chuyện có lẽ chỉ vãn hồi khi mà đối thủ bị bêu riếu chẳng đặng đừng phải cầu cứu lên các cấp có thẩm quyền giải quyết. Lúc này, đối tượng - là chủ các tài khoản ảo - mới cuống cuồng làm động thái: khóa facebook, tiến hành “phi tang”, xóa vết dấu trên trang nhật ký online và sẵn sàng phản pháo khi những bức ảnh chụp màn hình (lịch sử thao tác trên trang mạng xã hội) được tung ra làm bằng chứng. Không chỉ có vậy, nhiều người còn tuyên bố rằng “đó là nhật ký cá nhân và tôi có quyền nói những gì tôi muốn nói”; rằng “tự nhiên “vào nhà tôi lấy thông tin” là hành vi xâm phạm quyền tự do cá nhân, là hành vi vi phạm pháp luật” v.v… và v.vv…
Ông Thắng chia sẻ, thời gian qua ATHENA nhận được rất nhiều yêu cầu từ các công ty là nạn nhân, nhờ lực lượng an ninh mạng ATHENA dò quét trên intetnet tìm kiếm những nơi xuất phát nguồn tin tiêu cực, tin bôi nhọ. Bên cạnh việc sử dụng nghiệp vụ an ninh mạng, lực lượng an ninh mạng ATHENA còn có những phối hợp khác với các cơ quan chức năng như phòng cảnh sát kinh tế công an thành phố, cục phòng chống tội phạm công nghệ cao....
“Vì đa phần thông tin bôi nhọ là ẩn danh, cộng với các máy chủ đặt tại nước ngoài, nên việc tìm kiếm cũng rất khó khăn”, Giám đốc ATHENA cho biết. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, “so với các mục đích khác, nếu bôi nhọ vì mục đích kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh ở các doanh nghiệp thì chúng tôi dễ xác nhận và định danh đối tượng thực hiện hơn”. Thậm chí theo ông Thắng, bằng các nghiệp vụ an ninh mạng, chúng ta có thể hoàn toàn xác định được số điện thoại, email... của các tài khoản ẩn danh, kể cả khi chúng bị xóa đi.