Chủ quán “bún chửi” miệt thị khách: Có dấu hiệu phạm luật?

Như Loan| 30/10/2016 10:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi miệt thị, chửi bới khách hàng của bà chủ quán “bún chửi” không những đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác mà còn gây mất trật tự công cộng nên cần thiêt phải xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật.

Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ đoạn clip với nhân vật chính là bà chủ quán “bún chửi” nằm ở phố Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) miệt thị khách gây xôn xao dư luận. Điều lạ là mặc dù chủ quán thường xuyên "nổi cơn lôi đình” với khách nhưng quán vẫn đông đúc, nhộn nhịp. Xung quanh câu chuyện quán “bún chửi” đang gây xôn xao cộng đồng mạng, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội)  đã có những chia sẻ rất riêng dưới góc độ pháp lý.

Luật sư Thơm cho rằng, hình ảnh của chủ quán “bún chửi” không chỉ làm xấu đi các giá trị văn hóa của người Hà Nội trong con mắt của người dân Việt Nam mà còn trong con mắt của bạn bè quốc tế. Kênh truyền hình CNN của Mỹ đã làm phóng sự phản ánh quán “bún chửi” như một “món ăn đặc sắc của Việt Nam”. Đây rõ ràng là một hình ảnh không đẹp trong bạn bè quốc tế về Hà Nội.

Xét hành vi của bà chủ quán “bún chửi” đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi có lời nói xúc phạm danh dự của người khác khi họ bị chửi lại vào lúc làm tổn thương nghiêm trọng về danh dự của họ mặc dù họ không có lỗi gì với chủ quán.

Ông Thơm lý giải, Điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 qui định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Điều 3 Bộ luật Dân sự 2005 qui định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”

Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 qui định, tội làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng với hình phạt cao nhất đến 03 năm tù. Tội làm nhục người khác chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

"Bởi vậy, để làm trong sạch môi trường văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô thì trước tiên cần phải có biện pháp xử lý đối với những trường hợp như quán “bún chửi” thì mới có thể mang lại thành công chung của Thành phố hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” ngay trong bản thân mỗi công dân", Luật sư Thơm nói.

Chủ quán “bún chửi” miệt thị khách: Có dấu hiệu phạm luật?

Mặc dù bị "chửi" nhưng quán vẫn đông khách

Luật sư Thơm nêu quan điểm, để đánh giá hành vi vi phạm của bà chủ quán “bún chửi” thì tùy vào địa vị xã hội, hoàn cảnh, bối cảnh mà khách hàng thấy nhục. Mặt khác họ phải có đơn yêu cầu xử lý thì Cơ quan pháp luật mới có thể xem xét mức độ để quyết định việc xử lý bằng biện pháp hình sự hay hành chính theo qui định của pháp luật.

Sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác phải đến mức độ nghiêm trọng mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đánh giá như thế nào là bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Nó phụ thuộc vào thái độ, nhận thức của người phạm tội, cường độ, thời gian của hành vi, vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, nhận thức của người bị hại trong gia đình và xã hội; sự đánh giá và phản ứng của dư luận xã hội cũng cần phải được xem xét.

Trường hợp có thể bị xử lý hình sự như người bị miệt thị, chửi bới là người có chức vụ quyền hạn, có uy tín trong xã hội. Ví dụ như lãnh đạo Thành phố đi cùng đoàn công tác dừng ăn thì bị chửi hoặc thành viên đoàn công tác du lịch đi tìm hiểu văn hóa Hà Nội vào ăn cũng bị chửi bới, miệt thị,…

"Hành vi miệt thị, chửi bới khách hàng của bà chủ quán “bún chửi” không những đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác mà còn gây mất trật tự công cộng nên cần thiêt phải xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật mới có thể làm trong sạch môi trường văn hóa của của Thủ đô, cũng như hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiếu khách", ông Thơm nói.

Nếu xét thấy trường hợp bà chủ quán "bún chửi" chưa đến mức xử lý hình sự thì cơ quan pháp luật cũng có thể xử phạt hành chính theo điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội,…

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, ngày 26/5/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2016 được Thành phố tập trung thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” với quyết tâm xây dựng một Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

Trong khi Thủ đô hiện đang quyết tâm tạo chuyển biến đột phá về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống thì hình ảnh bà chủ quán “bún chửi” miệt thị khách hàng bằng những lời nói hết sức tục tĩu đã đi ngược lại quyết tâm của Thành phố đang cố gắng để xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh với những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ quán “bún chửi” miệt thị khách: Có dấu hiệu phạm luật?