Chống tham nhũng trong y tế là ưu tiên quốc gia

07/06/2012 22:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội thảo “Chi phí không chính thức trong y tế: thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra hôm qua 6-6 tại Hà Nội đã bàn đến một trong những vấn nạn mãn tính của y tế Việt Nam.

Hội thảo do Tổ chức hướng tới minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) phối hợp tổ chức.

Phong bì phổ biến ở tuyến trên

Theo kết quả tìm hiểu về các chi phí không chính thức trong ngành y tế, được tiến hành tại Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk và Cần Thơ từ tháng 8-2010 đến tháng 2-2011, thì các biện pháp hiện đang được áp dụng để kiểm soát và xử lý vấn đề chi phí không chính thức chưa đạt được hiệu quả mong đợi.

Theo kết quả nghiên cứu, đưa tiền trực tiếp và để tiền trong phong bì là hai cách phổ biến nhất của tình trạng chi trả các khoản phí không chính thức trong dịch vụ y tế. Các hình thức khác có thể là quà bằng hiện vật và “cơ hội” mà bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân mang lại cho nhân viên y tế. Có sự chênh lệch lớn về giá trị các khoản tiền đưa theo phong bì giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, giữa các cơ sở y tế ở thành thị và nông thôn, dao động từ 50.000 đồng (2,5 USD) đến 5 triệu đồng (250 USD); một số trường hợp ngoại lệ có giá trị lên tới vài chục triệu đồng (vài nghìn USD). Nghiên cứu cũng cho thấy việc đưa tiền/phong bì phổ biến ở các cơ sở y tế cấp tỉnh và trung ương nhiều hơn là ở cấp xã và huyện.

Chống tham nhũng trong y tế là ưu tiên quốc gia

Bệnh nhân chờ khám ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương  Ảnh: Đức Anh

Có rất nhiều lý do để bệnh nhân đưa, và nhân viên y tế nhận, các khoản chi phí không chính thức. Với bệnh nhân, đưa phong bì là cách giúp họ được quan tâm và điều trị hoặc được điều trị với chất lượng tốt hơn. Về phía nhân viên y tế, lý do họ nhận tiền hoặc phong bì là để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, để mở rộng quan hệ xã hội hoặc đơn giản là để không làm bệnh nhân thất vọng.

Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD cho rằng, từ khía cạnh công bằng trong chăm sóc sức khỏe, chất lượng điều trị chắc chắn bị ảnh hưởng khi ưu tiên điều trị không được thực hiện căn cứ theo tình trạng bệnh tật mà bị tác động bởi tiền bạc. Nói cách khác, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng và không có sự công bằng trong chăm sóc y tế.

Theo nghiên cứu, cả nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng các khoản chi phí không chính thức có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới dịch vụ y tế ở Việt Nam, làm xói mòn niềm tin và sự tôn trọng của bệnh nhân đối với hệ thống y tế, đồng thời có thể gây mâu thuẫn trong nội bộ khoa phòng của các cơ sở y tế.

Y đức và tiền lương

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân của những chi phí không chính thức trên liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề y đức hiện nay cũng như các vấn đề về lương, đãi ngộ cho nhân viên y tế, sự thiếu đồng đều trong hệ thống y tế giữa các cấp cơ sở và trung ương gây ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương...

GS Nguyễn Thu Nhạn, nguyên Viện trưởng Viện Nhi Trung ương cho biết, trước đây khi còn bao cấp trong y tế, vấn đề phong bì không có và nếu có thì bị xử lý rất nghiêm. Theo GS Nguyễn Thu Nhạn, kết quả nghiên cứu rất có ý nghĩa và là một tư vấn phản biện cho nhà nước. “Chi phí không chính thức là một hiện tượng suy thoái của xã hội, suy thoái của ngành y tế. Từ vấn đề phong bì, giá trị của thầy thuốc cũng bị xã hội nhìn khác đi. Đây không chỉ là vấn đề của y tế mà còn là vấn đề xã hội. Vì sao lại "đẻ" ra vấn đề phong bì. Điều này là do lương của nhân viên y tế, bác sỹ quá thấp. Đồng lương không tương xứng với công sức lao động. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì không thể giải quyết được vấn đề phong bì”, GS Nguyễn Thu Nhạn nói.

Kết quả của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rất rõ rằng, chi phí không chính thức là hiện tượng phổ biến trong dịch vụ y tế ở Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc chất lượng điều trị, chăm sóc y tế không đồng đều; tình trạng quá tải ở một số bệnh viện đầu ngành, tuyến tỉnh và tuyến

Trung ương; lượng nhân viên y tế thấp... Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Điều hành TT khẳng định: Nhũng nhiễu trong lĩnh vực dịch vụ y tế là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam, làm giảm sút lòng tin của người dân vào chất lượng và sự công bằng của hệ thống y tế công. Do đó, điều hết sức quan trọng là các nỗ lực phòng, chống tham nhũng, nhũng nhiễu phải giúp khôi phục và củng cố lòng tin của người dân. Báo chí cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế bởi báo chí cung cấp thông tin cho người dân biết về quyền được chăm sóc sức khỏe với chất lượng tốt và các khoản chi phí không chính thức sẽ không làm thay đổi chất lượng chuyên môn của bác sĩ.

Tăng cường tính công khai, minh bạch

Thảo luận sôi nổi về các giải pháp, các đại biểu tham dự cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần phải coi phòng chống tham nhũng trong y tế là ưu tiên quốc gia, có sự tham gia đa ngành, tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội và các tổ chức xã hội đồng thời củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, đầu tư cho y tế dự phòng kết hợp nâng cao hiểu biết về y tế cho nhân dân, giúp giảm tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương.

Bà Đào Thị Nga, Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho rằng, để kiểm soát chi phí không chính thức, các nhà hoạch định chính sách phải coi phòng, chống tham nhũng trong y tế là ưu tiên quốc gia; xóa bỏ mô hình “y tế công - vận hành tư” như hiện nay, hướng tới một nền y tế công bằng, minh bạch bằng chính sách phát triển hệ thống y tế 3 thành phần, bao gồm: 1 - y tế công lập do ngân sách công chi trả, hoàn toàn phi lợi nhuận, phục vụ cho chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng; 2 - y tế dân lập do các cơ sở phi chính phủ thực hiện, vận hành theo cơ chế độc lập và có thể được chính phủ bao cấp vì mục tiêu khoa học và nhân đạo; 3 - y tế tư nhân, vận hành theo cơ chế thị trường.

Đa số đại biểu đều thống nhất rằng, có lẽ, để giảm thiểu chi phí không chính thức, điều quan trọng và cốt yếu nhất chính là tăng cường tính công khai, minh bạch trong mọi khâu quản lý, điều hành và triển khai công việc từ chính các cơ quan quản lý cũng như các cơ sở y tế cũng như minh bạch, công khai chi phí của người bệnh.

Ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng, cần phải có đãi ngộ đặc thù cho cán bộ, nhân viên y tế tính trên cơ sở hiệu quả công việc, phục vụ tốt bệnh nhân. Trong dịch vụ y tế phải công khai, minh bạch; đồng thời phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm để chấm dứt tình trạng chi phí không chính thức.

Thái Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống tham nhũng trong y tế là ưu tiên quốc gia