Chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới, UBTVQH đã nghe Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Các thành viên UBTVQH nhận xét Báo cáo còn sơ sài, chưa đưa ra được các đánh giá, nhận định cũng như đề xuất mới.
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu nhận định, hiện nay, hầu hết vụ tham nhũng đều xử lý kỷ luật chứ không xử lý hình sự. Thậm chí, nhiều vụ việc tham nhũng gây thất thoát tiền tỷ nhưng người đứng đầu cũng chỉ bị cảnh cáo. Nhiều địa phương, ban ngành cho rằng tình hình tham nhũng đã giảm, nhưng thực tế, như đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế, thì Việt Nam vẫn chỉ được 2,7/10 điểm và tình hình vẫn không cải thiện. Đáng chú ý, tài sản phát hiện được do tham nhũng lên tới hơn 15.000 tỷ đồng nhưng thu hồi nộp ngân sách nhà nước lại rất hạn chế, chỉ chiếm 2,6% (300 tỷ đồng).
Trong khi báo cáo về tình hình công tác tội phạm nói chung thì Chính phủ nhận định là các loại tội phạm tăng cả về số vụ lẫn mức độ nguy hiểm nhưng khi báo cáo về phòng chống tham nhũng thì Chính phủ lại nhìn nhận là số tội phạm giảm, số vụ phát hiện và xử lý cũng giảm. Đây là những nhận định cần được làm rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, tình hình phòng chống tham nhũng vẫn chuyển biến chậm. Các biện pháp đưa ra chưa đạt hiệu quả cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Thanh tra Chính phủ phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn. Phải đưa ra kế hoạch hành động thì tính chiến đấu mới rõ. Vấn đề rất phức tạp, rất khó khăn, nhưng báo cáo của chúng ta lại cứ đều đều…
Như vậy có thể thấy báo cáo về chống tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nói cách khác là thực tế phòng chống tham nhũng của ta còn hạn chế, bất cập. Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn thì cuộc đấu tranh này khó đạt được mục tiêu đề ra.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh đề xuất thí điểm mô hình bí thư hoặc chủ tịch HĐND cấp tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Ảnh: Lê Anh
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng không phát hiện được các vụ việc tham nhũng, như tình trạng buông lỏng ở một số Cơ quan điều tra, công tác tự thanh tra, kiểm tra, tự phát hiện trong nội bộ và hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng… cần được xem xét.
Có nhiều biện pháp phải tăng cường nhưng dù biện pháp gì cũng phải phát huy được sức mạnh của cử tri, của nhân dân cả nước vào cuộc đấu tranh với kẻ thù giấu mặt này. Tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cần phát huy mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Muốn như thế phải có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng và quan trọng hơn là xử lý nghiêm minh những vụ việc được phát hiện. Không có gì làm nản lòng người dũng cảm chống tham nhũng bằng việc giải quyết không đến nơi đến chốn, nương nhẹ hoặc để vụ việc “chìm xuồng”…
Bảo Thư