Chống “chảy máu vàng”?

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt xuất khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng nữ trang thô đã gây lo ngại cho các cơ quan quản lý.

Theo quy định hiện tại của Bộ Tài chính về thuế xuất khẩu vàng, vàng nguyên liệu có hàm lượng dưới 99,99%, vàng trang sức và mỹ nghệ với trọng lượng trên 1 ounce và có hàm lượng vàng trên 99% phải chịu thuế suất xuất khẩu là 10%, các loại khác được hưởng mức thuế 0%.

Ảnh:Internet

Nhằm hạn chế “chảy máu vàng”, Bộ Tài chính vừa đưa ra chủ trương: các sản phẩm nữ trang có khối lượng trên 1 ounce và hàm lượng vàng trên 80% sẽ bị đánh thuế xuất khẩu 10%. Như vậy, để hưởng mức thuế suất 0%, các doanh nghiệp xuất vàng sẽ phải hạ tuổi vàng xuống dưới 80%.


Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phản đối chủ trương này, bởi việc tăng thuế sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp, đồng thời có thể khuyến khích hoạt động xuất lậu vàng. Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, hoạt động xuất khẩu vàng có nhiều tác dụng đối với nền kinh tế như thu hút lượng vàng trong dân, góp phần tạo thế cân bằng thương mại và giảm áp lực tỷ giá, hạn chế hoạt động xuất lậu vàng…


Theo công văn này, khi tương quan giá vàng trong nước và quốc tế tạo điều kiện và thị trường có cung - cầu, thì hoạt động xuất vàng diễn ra là tất yếu, cho dù cơ quan chức năng có kiểm soát đến đâu. Thực chất của vấn đề là một khi do cung - cầu của thị trường và khi giá trong nước thấp hơn giá quốc tế thì cơ hội xuất khẩu vàng dưới mọi hình thức sẽ xảy ra, nếu không xuất khẩu được theo con đường chính thức, thì xuất khẩu lậu vàng là khó tránh khỏi.


Nếu chủ trương này được áp dụng, đây sẽ là lần thứ hai Bộ Tài chính điều chỉnh khung tuổi vàng để áp thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, nếu chênh lệch giá trong nước và giá quốc tế vẫn có lợi, thì doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hạ tuổi vàng xuống dưới 80% theo quy định của cơ quan quản lý để có thể xuất khẩu. Việc các doanh nghiệp cố hạ tuổi vàng để được xuất khẩu cho phù hợp với quy định sẽ dẫn tới hậu quả là đẩy chi phí tăng cao, hao hụt lớn trong sản xuất và gây tốn kém của cải cho xã hội.


Như vậy, liệu Bộ Tài chính có tiếp tục theo đuổi giải pháp này không? Nếu không trả lời được câu hỏi này thì có lẽ, giải pháp để chống “chảy máu vàng” vẫn còn đang bỏ ngỏ.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống “chảy máu vàng”?