Chọn Trump hay Clinton? Hay không ai trong số họ, mà lại là một nhân vật bí ẩn nào đó xuất hiện vào phút chót? Hoặc một biến cố bất ngờ sẽ xảy ra trước giờ G? Tất cả đều mơ hồ và khó lường…
Tính cách khác thường của hai đối thủ làm cho cuộc đua vào Nhà Trắng kịch tính và diến khó lường.
1. Vào lúc 7h00 sáng 9/11 (theo giờ Hà Nội), toàn thế giới sẽ có kết quả chính thức trận so găng cuối cùng giữa hai ứng viên Tổng thống Hillary Clinton - đến từ đảng Dân chủ và Donald Trump - đến từ đảng Cộng hòa. Chủ nhân tương lai của chiếc ghế cao nhất tại Nhà Trắng, người chèo lái con thuyền nước Mỹ tương lai sẽ là ai? Trump - tay chơi “cự phách”, ngôi sao sáng giá của các gameshow truyền hình, ông trùm truyền thông với những tuyên bố kinh thiên động địa, cùng một loạt bê bối liên quan đến phụ nữ? Hay Clinton - cựu đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ, “bà đầm già” quyền lực, và độ shock trong phát ngôn không hề kém cạnh đối thủ? Hay chẳng phải Trump, cũng không phải Clinton, mà có thể là một nhân vật bí ẩn nào đó? Hoặc là một diễn biến bất ngờ có thể xảy ra ngay trước giờ G khiến cuộc bầu cử vì thế mà bị hủy bỏ? Tất cả đều rất mơ hồ và khó đoán.
Thậm chí, trước thời điểm trận đấu cuối cùng trên đường đua vào Nhà Trắng chính thức bắt đầu, Tập đoàn Xổ số Thủ đô Mỹ (BCLC) thông báo số tiền đặt cược cho cuộc bầu cử Tổng thống đã vượt qua cả giá trị của giải siêu xổ số Superbowl lớn nhất nước Mỹ. Thế nhưng, việc người Mỹ dồn một lượng tiền khủng đặt cược cho hai ứng viên có lẽ cũng chẳng phải chuyện quá bất thường. Bởi, có gì đáng ngạc nhiên khi mà họ đã từng được chứng kiến cuộc chiến đô-la, những pha chi tiêu bạo tay của cả ông Trump và bà Clinton ở giai đoạn nước rút. Và dù ý tưởng này có vẻ khá kỳ quặc, nhưng xem cách họ bày tỏ sự quan tâm đối với chủ nhân Nhà Trắng tương lai dường như không giống việc một cử tri đắn đo lựa chọn người xứng đáng khi cầm lá phiếu trên tay tới địa điểm bỏ phiếu. Thậm chí còn có ý kiến rằng, với cử tri Mỹ, có lẽ được chứng kiến những kịch tính có khả năng xảy ra trong cuộc bầu cử có khi còn… thú vị hơn nhiều (?!).
2. Vậy nhưng, một số người thích đọc truyện trinh thám, hay bàn thuyết âm mưu lại đưa ra những giả thuyết “lạ nhưng cũng có khả năng xảy ra”. Theo họ, bà tiên tri mù Vanga đã từng từng nói rằng, vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ sẽ là nhà lãnh đạo da màu đầu tiên được bầu và là đây cũng là Tổng thống cuối cùng của nước này. Tất nhiên cũng cần phải nói thêm, dù có nhiều dự báo chính xác về tương lai, song không phải tiên đoán nào của bà Vanga cũng đều đúng.
Dư luận từng tỏ ra lo ngại về sức khỏe của bà Clinton
Còn nhớ, tình trạng sức khỏe không mấy khả quan của bà Hillary gây ồn ào trên truyền thông hồi tháng 9 vừa qua khiến nhiều người cho rằng, lời dự báo của nhà tiên tri có thể thành sự thật. Dĩ nhiên, theo một số nhà phân tích, câu chuyện về sức khỏe tồi tệ của bà Clinton chẳng qua cũng chỉ là một chiêu bài nhằm đánh lừa ông Trump ma mãnh mà thôi, bởi vào thời điểm đó, quả bom bê bối sử dụng email cá nhân trong các giao dịch công thời kỳ bà đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Mỹ vẫn chưa thể vô hiệu hóa và có khả năng biến tất cả thành tro bụi nếu nó được kích nổ. Thế nhưng mới đây, khi chỉ cách thời điểm cử tri bắt đầu bỏ phiếu bầu tân Tổng thống Mỹ, trên mạng lại xuất hiện một đoạn video mới ghi cảnh bà Clinton trượt chân lúc đi tới cuối cầu thang máy bay tại Philadelphia. Một cuộc tranh luận mới về tình trạng sức khỏe của bà lại bùng lên.
Lại nói về bê bối email cá nhân của bà Clinton, ngay trước thời điểm chuẩn bị bắt đầu diễn ra cuộc đua cuối cùng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bất ngờ tuyên bố mở lại cuộc điều tra khiến những người ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ như ngồi trên đống lửa. Dù sau đó Giám đốc FBI đã “giải oan” cho bà Clinton, khi khẳng định không có bằng chứng mới để khởi tố vụ án, song quả bom ông quăng ra cũng kịp gây thiệt hại, bởi có rất nhiều cử tri đã đi bỏ phiếu sớm với những thông tin chưa đầy đủ về vụ điều tra. |
Đáng chú ý thời gian gần đây là chuyện tờ Pravda của Nga đăng tải bài viết cho rằng, ông Donald Trump sẽ chuốc lấy số phận giống cố Tổng thống John F. Kennedy, bị ám sát nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng; và ngược lại, nếu bà Clinton đắc cử, vị tỷ phú New York sẽ toàn mạng. Lẽ dĩ nhiên đây cũng chỉ là giả thuyết, dù Pravda có dẫn giải những phân tích của một chuyên gia người Nga về những động cơ chính trị của hai nhân vật nếu họ giành chiến thắng. Song việc ông Trump vừa bị “chết hụt” khiến nhiều người hồ nghi một sự cố tương tự có thể xảy đến với bất kỳ ứng viên nào, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang đe dọa toàn thế giới, tình hình bạo lực ngày càng gia tăng, nguy cơ “sói đơn độc” có thể gây tổn hại lớn đến Mỹ ngày càng nhiều như hiện nay…
Nói thêm về tiên đoán của bà lão mù Vanga. Bà mô tả hết sức chi tiết như sau: “Ông ấy (Obama) trở thành Tổng thống khi nước Mỹ đang vật lộn trong cơn khủng hoảng hoảng kinh tế trầm trọng. Người dân Mỹ sẽ đặt niềm tin vào ông ấy và coi ông như một phép màu dẫn dắt Mỹ bước qua giai đoạn khủng hoảng và vươn lên trở thành cường quốc của thế giới. Tuy nhiên, điều ngược lại sẽ xảy đến. Sau khi ông ấy rời nhiệm sở, Mỹ sẽ chìm trong đống đổ nát kinh tế, các bang miền Nam Bắc sẽ phân chia nhau, không khác gì một cuộc nội chiến”.
Xét trong bối cảnh nước Mỹ trước bầu cử hiện nay, khi mà tỷ phú đô-la Donald Trump tưởng chừng sẽ ngã ngựa ngay từ cuộc bầu cử sơ bộ, thì người dân Mỹ bắt đầu hoài nghi khi không hiểu vì lý do hay sức hút gì, ông Trump từ từ tiến bước trở thành ứng viên chính thức đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử chức Tổng thống Mỹ, rồi có thời điểm ông còn vượt mặt bà Clinton, vươn lên dẫn trước. Sự hoài nghi và tâm trạng ngán ngẩm bắt đầu lớn dần, sau đó lan dần sang cả bà Clinton - một nhân vật đại diện cho giới tinh hoa, có thừa kinh nghiệm trên chính trường, nhưng lại sẵn sàng “cãi nhau tay đôi” với ông Trump ngang tàng ngay trên truyền thông.
Tờ Pravda của Nga đăng tải bài viết cho rằng, ông Trump sẽ chuốc lấy số phận giống cố Tổng thống John F. Kennedy, bị ám sát nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng
3. Không khí mà cuộc chạy đua tranh cử năm nay tại nước Mỹ tạo ra, theo bình luận viên Janet Daley của Telegraph, “khác thường và nhiễu loạn” đến mức người ta phải tranh luận, cãi nhau để thuyết phục người khác, hay chỉ đơn giản là để mọi người tin rằng đất nước này không hoàn toàn điên rồ. Giới phân tích lý giải, đặt trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, trong khi một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ (bao gồm cả giới tinh hoa) mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo xuất thân từ giới tinh hoa, việc chọn ông Trump hay bà Clinton đối với cử tri Mỹ đều không phải là sự lựa chọn lý tưởng, và dường như họ đang đánh cược với chính cuộc sống của mình.
Cũng chẳng phải chỉ người dân Mỹ mới bận lòng với ông Trump và bà Clinton, mà dường như (nghe có vẻ khôi hài) cư dân toàn thế giới từ trên mạng đến ngoài đời thực đều nín thở chờ đợi... điều bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Thậm chí, ở nhiều làng quê Việt Nam, cảnh tượng dễ bắt gặp những ngày gần đây là các bà, các chị vừa bán thịt, bán cá, vừa rổn rảng kể chuyện “lão Trăm” ăn nói kiểu… hàng tôm hàng cá hay bà “bà Tơn” vợ “ông Bin” sẽ trở thành Tổng thống. Nói một cách nghiêm túc, mặc dù đây là việc của nội bộ nước Mỹ, song ở vị trí siêu cường số 1 có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới ở các lĩnh vực khác nhau, là thành viên quan trọng của những tổ chức quốc tế lớn như Liên hiệp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…, việc ai sẽ là người kế nhiệm ông Barack Obama nhận được sự quan tâm đặc biệt từ không chỉ đồng minh, đối tác, mà cả đối thủ, và thậm chí kẻ thù.
Thế nhưng, dù ông Trump hay bà Clinton giành chiến thắng, điều đó cũng không có nghĩa là họ có thể và đủ khả năng thẳng tay “đập tan” toàn bộ di sản mà các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm để lại; và việc dùng quyền lực của mình để định đoạt, khuynh đảo cục diện thế giới hiện nay cũng chỉ là điều xa vời của những người hay cả nghĩ.