Trong khi người dân đang chờ kết quả xử lý cán bộ đã để xảy ra sai phạm tại Trung tâm thương mại Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai theo chỉ đạo của Thủ tướng thì công trình được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã và đang hư hỏng, xuống cấp từng ngày.
Còn hơn 700 tiểu thương vẫn phải buôn bán ở khu chợ tạm…
Báo Công lý số 56 ra ngày 15/7/2015 có bài: “Những “lùm xùm” tại chợ Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai: Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người liên quan” phản ánh về việc UBND TP. Biên Hòa không làm đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tiểu thương. Thanh tra Chính phủ vào cuộc đã vạch ra những sai phạm và kiến nghị xử lý. Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người liên quan.
Việc cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc và đưa ra hướng xử lý rốt ráo được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, một vấn đề cũng được dư luận hiện nay rất quan tâm là công trình được xây dựng hàng trăm tỷ đồng bị “trùm mền” và đang ngày càng xuống cấp.
Trở lại chợ Tân Hiệp sầm uất, có tiếng một thời bây giờ là công trình xây dựng dở dang, đang bị hư hỏng, xuống cấp từng ngày. Người dân ở đây cho biết, chợ truyền thống Tân Hiệp nằm ở vị trí đắc địa, ngay trung tâm TP. Biên Hòa. Chợ Tân Hiệp được xây lại hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng năm 1999, mới khai thác được 7 năm. Tuy nhiên, năm 2006, UBND TP. Biên Hòa đã có văn bản đề nghị tỉnh giới thiệu địa điểm để đầu tư Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại khu đất chợ Tân Hiệp hiện tại và được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận. Dự án do Công ty cổ phần Tân Trung Sơn đầu tư, xây dựng.
Theo một số tiểu thương, khi di dời sang chợ tạm kinh doanh bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Ai cũng tiếc chuyện chợ mới sử dụng đã phải đập bỏ. Nhưng mọi người tin tưởng vào chủ trương của UBND TP. Biên Hòa vì sẽ được buôn bán, kinh doanh trong Trung tâm thương mại mới khang trang, hiện đại hơn. Mọi người chờ ngày nhận chỗ bán buôn mới ở trung tâm thương mại. Tuy nhiên, càng chờ, tiểu thương càng thất vọng.
Nhiều năm trôi qua, chợ cũ đã bị đập bỏ, còn trung tâm thương mại mới xây dựng lên không thể đưa vào sử dụng, đang bị “trùm mền” bỏ hoang phế. Theo một số chuyên gia xây dựng, mặc dù công trình chưa nghiệm thu nhưng để xây dựng công trình lớn này chủ đầu tư bỏ ra không dưới 500 tỷ đồng. Quả thật, điều này đã gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Chưa kể, công trình đồ sộ, hoang phế nằm giữa trung tâm thành phố như đang thách thức dư luận.
Như Báo Công lý đã phản ánh, dự án trong quá trình triển khai đã có sự thay đổi mô hình, thiết kế ban đầu cũng như không đúng với nội dung UBND TP. Biên Hòa đã cam kết với tiểu thương trước khi xây dựng, không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai. Bức xúc, tiểu thương đã có đơn khiếu nại gay gắt. Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã nhanh chóng vào cuộc. Các sai phạm của những cá nhân, đơn vị đã được TTCP làm rõ.
Theo đó, Sở Xây dựng cấp GPXD mới thay thế GPXD đã cấp là trái với quy định pháp luật. UBND TP. Biên Hòa không thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh về việc lấy ý kiến đồng thuận của tiểu thương, không thực hiện giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định pháp luật, thiếu trách nhiệm phối hợp cơ quan chức năng của địa phương khi thực hiện hiện dự án.
Ngày 5/3/2015, TTCP đã có Văn bản số 418/CT-TTCP gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa (thời điểm để xảy ra sai phạm Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa là ông Nguyễn Phú Cường, nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - PV), Giám đốc Sở Xây dựng, các cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan để xảy ra hậu quả nêu trên.
Ngày 13/5/2015, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 944/VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện kết luận, kiến nghị của TTCP nêu tại Báo cáo số 418/BC, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2015.
Như vậy, hậu quả pháp lý về những sai phạm của cán bộ để dẫn đến công trình trăm tỷ phải hoang phế, hàng trăm tiểu thương không nhận được sạp để kinh doanh đã được cơ quan chức năng làm rõ. Điều mà dư luận quan tâm hiện nay là công trình được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang hư hỏng xuống cấp từng ngày. Còn hơn 700 tiểu thương vẫn phải chật vật buôn bán ở khu chợ tạm. Hậu quả vật chất này ai là người phải chịu trách nhiệm? Câu trả lời này xin nhường lại cho các cơ quan có thẩm quyền ở Biên Hòa.