Cùng với một loạt chính sách mới ban hành, giới phân tích đánh giá, đây sẽ là tạo động lực phát triển thị trường bất động sản, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản nhà ở trong thời gian tới.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030. Với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.
Dù năm 2023, thị trường bất động sản toàn cầu được dự báo sẽ diễn biến chậm lại, thị trường Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động. Song theo nhận định của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân sẽ tăng trưởng bởi dư địa phát triển đô thị vẫn đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Trên thị trường, một số chủ đầu tư như Vinhomes đã có kế hoạch triển khai 500.000 căn trong 5 năm tới. Him Lam, Hưng Thịnh cũng có kế hoạch phát triển phân khúc này trong thời gian tới.
Trong bối cảnh chênh lệch cung cầu khi nguồn cung căn hộ bình dân chiếm chưa tới 2% tổng nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM và Hà Nội, chuyên viên Nguyễn Thị Cẩm Tú, Công ty Chứng khoán Vndirect đánh giá, phân khúc nhà ở xã hội có thể phục hồi nhờ nguồn cung này và sự hỗ trợ từ chính sách mới của Chính phủ.
Hiện Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Dù vậy, theo nhóm nghiên cứu của Vndirect, Nghị định số 08 và Nghị quyết số 33 có thể giúp xoa dịu áp lực thanh khoản trong ngắn hạn. Các vấn đề cốt lõi của thị trường bất động sản như tháo gỡ pháp lý, khơi thông dòng vốn, khôi phục niềm tin người mua nhà vẫn còn đang bỏ ngỏ về chính sách.
Nhóm nghiên cứu này kỳ vọng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản trong 3-6 tháng tới, đặc biệt đảm bảo ưu tiên những dự án đang xây dựng dở dang để có thể bàn giao kịp thời đến khách hàng.
Thực tế, doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt áp lực thanh khoản khi bước vào giai đoạn cao điểm của trái phiếu đáo hạn. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023-2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 khoảng 119.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỷ đồng.
Dù vậy, "Nghị định số 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023", Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định.
Bằng chứng cho thấy, riêng tháng 3 năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sôi động trở lại. Tính đến ngày công bố thông tin (17/3), trái phiếu bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành lớn nhất, với hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm 59% tổng khối lượng phát hành.
Giới phân tích nhận định, một loạt văn bản ban hành đã mở ra hành lang pháp lý để doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể tiếp cận được dòng vốn, từ đây tái cơ cấu và khôi phục lại hoạt động. Doanh nghiệp được giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ, dự án đáp ứng nhu cầu thực, thanh khoản tốt được tạo điều kiện vay vốn… từ đó từng bước tháo gỡ điểm nghẽn của thị trường bất động sản.
Riêng đối với bất động sản nhà ở, Chính phủ đã cam kết xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tới năm 2030, để đáp ứng nhu cầu cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Động thái này tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đặc biệt có sẵn quỹ đất phù hợp đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.