Hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cần được nhận thức như thế nào? Đánh giá trên tiêu chí gì? Phương pháp đánh giá trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể hiện nay?...
Đó là những vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm “tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay 18/12.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại buổi tọa đàm
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, để pháp luật đi vào cuộc sống, thực thi hiệu quả, khâu đầu tiên phải phổ biến, giáo dục pháp luật. Chính vì vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác này.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những kết quả nhất định, qua đó nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của đông đảo người dân. Tuy nhiên, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn thấp, chưa khắc phục triệt để tình trạng hình thức. Một trong những nguyên nhân là do chưa có tiêu chí rõ ràng để có những giải pháp khắc phục hiệu quả, sát thực tế.
Theo kết quả khảo sát, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ngày càng cao, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Dân sự, Luật Bảo vệ môi trường… Nhưng luật không sát thực tế, hình thức, phương pháp tuyên truyền nếu không được lồng ghép linh động, sáng tạo, không thể có tác dụng thiết thực, hữu ích trong việc giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi, vi phạm pháp luật.
Thực tế cũng cho thấy, một chính sách pháp luật tốt, hợp lý sẽ làm cho người dân tự nguyện thực hiện thay vì phải hối lộ cho cán bộ công quyền để trốn tránh trách nhiệm. Các trình tự, thủ tục hành chính, tư pháp công khai và minh bạch, dễ tiếp cận, sẽ làm cho người dân biết được quyền và lợi ích của mình đến đâu, trách nhiệm của cơ quan công quyền như thế nào và điều đó làm cho người dân giảm bớt việc tiếp cận “cửa sau”, hạn chế nhũng nhiễu, gây khó dễ cũng như khả năng tham nhũng của những người “khoác áo” công quyền nhưng vì quyền lợi của mình.
“Nếu văn bản pháp luật không phù hợp với thực tiễn, có thể dẫn tới những khó khăn trong quá trình thực thi làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật”, TS Đặng Vũ Huân lưu ý và cho rằng, tiêu chí đánh giá phải trên cơ sở tính chủ động, tích cực của người dân tham gia góp ý kiến xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước, đấu tranh chống vi phạm pháp luật, cũng như tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
TS Đặng Vũ Huân phân tích, khi người dân được tạo điều kiện, chủ động tham gia góp ý vào đường lối, chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước chứng tỏ ý thức pháp luật trong nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Bản thân người dân hiểu rõ sự chi phối của chính sách, pháp luật đến quyền lợi của minh. Từ đó, tích cực tham vấn giúp cho chính sách pháp luật đi vào cuộc sống một cách thuận lợi, dễ hàng hơn. Bên cạnh đó, rõ ràng người dân nói với người dân về câu chuyện pháp luật tuyệt vời hơn một cán bộ đứng trên bục diễn thuyết phổ biến, giáo dục pháp luật.
“Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của con người với pháp luật, đồng thời ngày càng nâng cao hiểu biết của con người đối với các văn bản pháp luật, các hiện tượng pháp luật trong đời sống, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân”, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ Lê Trọng Vinh, thước đo hiệu quả phải dựa trên các 3 tiêu chí: nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng sau khi được phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thái độ chấp hành hay không chấp hành của người dân đối với pháp luật là kết quả của sự am hiểu pháp luật. Một khi người dân có thái độ đúng đắn với pháp luật thì việc vận động chấp hành pháp luật sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Song không phải muốn gọi là phải có “chuyển biến ngay”, phải “giảm ngay” tình trạng ý thức pháp luật kém, tình trạng vi phạm pháp luật. Và càng không thể nhìn vào sự gia tăng chóng mặt của các loại vi phạm pháp luật để nhận định rằng, phổ biến giáo dục pháp luật có hoặc thậm chí không có hiệu quả. Mặc dù, một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức là sự hạn chế, bất cập của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
GS.TS Hoàng Thị Kim Quế cho rằng, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật xét trên từng mục đích cơ bản như nhận thức, thái độ, tình cảm, niềm tin pháp luật và hành vi hợp pháp luật, có như vậy mới thực sự khách quan, toàn diện và công bằng đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.