Chính sách hỗ trợ phải tạo động lực để người nghèo thoát nghèo

Mai Thoa| 27/07/2021 13:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 27/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

qh-pl.jpg

Cần đổi mới về tư duy giảm nghèo

Thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đánh giá kết quả xóa đói giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội. Đồng thời, mong muốn có những giải pháp để hướng tới giải quyết giảm nghèo đa chiều một cách thực chất hơn, khơi dậy khát vọng giảm nghèo của người dân.

Đại biểu  Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những điểm sáng của Việt Nam được các nước trên thế giới ghi nhận và rất nhiều những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy là chúng ta đã đi đúng hướng và đem lại niềm tin của người dân vào đường lối quan điểm chỉ đạo của đảng. Việt Nam là 1 trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Theo đại biểu, chúng ta cần phải tiếp cận theo tư duy chuyển những người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể và phải quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ, nhóm hộ và coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo. Bởi sự đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi là một hướng chúng ta cần phải tiếp cận cho vấn đề giảm nghèo.

mai-hoa.jpg
Đại biểu  Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp).

Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, về chính sách, về nguồn lực và hướng dẫn còn bản thân người nghèo hộ nghèo thì phải cố gắng vươn lên và phải làm sao các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo.

Trong thiết kế chính sách, Đại biểu Hoa mong muốn là cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo bởi hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là nhóm có ranh giới rất mong manh, có thể chuyển sang hộ nghèo bất cứ lúc nào. Cùng với điều này thì cần quan tâm hơn tới những hộ không phải là hộ nghèo nhưng sống trong cùng khu vực với các hộ nghèo, trong địa bàn nghèo bằng những chính sách cụ thể để họ có thể trở thành những hạt nhân hỗ trợ cho những hộ nghèo xung quanh và liên kết cùng các hộ nghèo để đưa cộng đồng thoát nghèo.

Bà Hoa cũng kiến nghị, cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người. Thực tế trong giai đoạn 2016-2020, theo số liệu thống kê đã có thì chúng ta dành vốn đầu tư khoảng 74% và vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với quan điểm là phát triển kinh tế - xã hội vùng nghèo thì hạ tầng phải đi trước một bước.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, thời gian tới giảm nghèo rất khó khăn vì những người nghèo, hộ nghèo còn lại hiện nay tuy không nhiều nhưng thuộc vùng lõi nghèo, rất khó có điều kiện để thoát nghèo. Đồng thời, quan tâm tập trung cho 3 dự án lớn là đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở. Trong đó, ưu tiên lưu ý giáo dục nghề nghiệp phải gắn với việc làm tại chỗ.

Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên) kiến nghị tích hợp nguồn lực 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025 ở những địa phương đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cũng cần đầu tư nguồn lực cho các vùng này để dẫn dắt các nguồn đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, tránh tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, gây lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ và Bộ chủ quản quyết liệt chỉ đạo, rà soát, đánh giá tổng thể, dự báo cơ hội, thách thức đối với các chương trình mục tiêu quốc gia đã, đang chuẩn bị triển khai để tránh trùng lắp về nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng cụ thể của chương trình. Từ đó tối ưu hóa các giải pháp triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án; tiếp tục rà soát dỡ bỏ, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ chính sách, khơi dậy ý thức chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân.

Phải giảm tỷ lệ người nghèo

Cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu tích cực.

dung-d.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Chúng ta đã trải qua 6 lần điều chỉnh tiêu chí, từ các tiêu chí về lương thực nhằm đảm bảo có ăn, có mặc của quốc gia nghèo với 58,1% hộ nghèo năm 1993 đến xóa đói giảm nghèo đến áp dụng giá cả, thu nhập ở mức sống tối thiểu rồi hiện nay đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới, nước đầu tiên trong khu vực châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa, đồng thời đề xuất các cơ chế lồng ghép tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

Giai đoạn 2021-2025, chúng ta đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững, giảm bình quân 1-1,5% hàng năm. Trong khi đó, chuẩn nghèo nâng lên từ 700 nghìn lên 1,5 triệu đồng ở khu vực nông thôn; từ 900 nghìn lên 2 triệu đồng ở khu vực thành thị, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng lên rất cao.

Tiêu chí về thu nhập, về thiếu hụt tăng cả về số lượng, chất lượng, nhiều nội dung thiếu hụt đòi hỏi phải có nguồn lực lớn như tái định cư, xóa nhà tạm, chống suy dinh dưỡng trẻ em, hạn chế trẻ em có thể trạng thấp còi. Giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Giai đoạn này, chúng ta phải lo vừa giảm về tỷ lệ nhưng đồng thời phải quan tâm hơn giảm nghèo một cách thực chất, bền vững. “Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt”, Bộ trưởng Dung giải thích.

Về xử lý trùng lặp giữa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Dung cho hay, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo có đối tượng, địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, bao gồm cả những đối tượng nghèo mới phát sinh vì những lý do khác nhau, kể cả do ảnh hưởng của đại dịch COVID; đối tượng nghèo ở nông thôn, thành thị, chú trọng những địa bàn khó khăn.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo các chương trình, đề xuất ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa. Đồng thời, sẽ đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách hỗ trợ phải tạo động lực để người nghèo thoát nghèo