Không chỉ quy trình cấp giấy chứng nhận “siêu tốc” mà thời gian ghi trên giấy chứng nhận cũng nhập nhằng một cách khó hiểu.
Như Báo Công lý đã phản ánh trong bài viết “Thâm nhập đường dây cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng siêu tốc”, đó là không cần xác thực người cần giấy chứng nhận, cũng không cần mất thời gian học kéo dài 2 tuần theo quy định, người cần giấy chứng nhận chỉ cần bỏ ra từ 1 đến 1,7 triệu đồng và chờ đợi trong vòng… 20 phút là có trong tay giấy chứng nhận nghiệp vụ tư vấn giám sát xây dựng như mong muốn.
Từ việc cấp giấy chứng nhận “siêu tốc”
Đóng vai là một người đang cần giấy chứng nhận nghiệp vụ tư vấn giám sát xây dựng để xin vào một đơn vị làm tư vấn, giám sát xây dựng, phóng viên đã đến Viện Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ xây dựng (gọi tắt là Viện) tại ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội).
Tại đây, phóng viên chỉ cần nộp tiền (lệ phí là 1 triệu đồng), ghi thông tin qua phiếu thông tin học viên và làm bài kiểm tra nhanh với mục đích để “cho có” coi như đã hoàn toàn chắc chắn có trong tay tờ giấy chứng nhận nghiệp vụ tư vấn giám sát xây dựng.
Giấy chứng nhận "siêu tốc" có được sau khi đóng lệ phí và chờ đợi ... 20 phút
Nếu như làm đúng trình tự và thủ tục để được cấp giấy chứng nhận thì cơ sở đào tạo phải thực hiện đầy đủ các trình tự theo Thông tư 25/2009/TT-BXD ngày 29/07/2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn chi tiết về cấp giấy chứng nhận hành nghề đó là: Thông báo tuyển sinh, kế hoạch tổ chức; phổ biến nội quy, quy định của khóa học; tổ chức giảng dạy và học tập theo chương trình; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập để cấp giấy chứng nhận cho học viên, ….
Tuy nhiên Viện đã không làm theo đúng trình tự như trên mà vẫn có khả năng cấp giấy chứng nhận cho học viên, thậm chí cán bộ tư vấn tuyển sinh của Viện còn chắc chắn với phóng viên rằng: “Bạn nộp tiền và ghi thông tin qua phiếu thông tin học viên, bên mình sẽ làm nhanh cho bạn, nhanh nhất để có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học” và cam kết thêm giấy chứng nhận hoàn toàn là thật.
Điều đáng nói là mặc dù việc cấp giấy chứng nhận như vậy là hoàn toàn sai về quy trình, nhưng hoạt động cấp giấy chứng nhận “siêu tốc” này lại được diễn một cách công khai.
Được biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản cho phép 51 đơn vị được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, các đơn vị này lại làm việc theo kiểu PR - giới thiệu cơ sở liên kết còn cơ sở dữ liệu thì lấy thông tin của nhau..., chính điều này đã làm nảy sinh ra nhiều công ty “ăn theo” một vài thương hiệu để duy trì tồn tại qua chiêu bài liên kết.
Đến sai phạm trong thời gian cấp
Như thông tin, 16h ngày 5/7, phóng viên đến đăng ký và nộp lệ phí làm giấy chứng nhận thì đúng chiều ngày 6/7, phóng viên đã cầm trong tay một tờ giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng.
Tuy nhiên, khi đối chiếu thời gian trong giấy chứng nhận thì phóng viên mới nhận ra rằng giấy chứng nhận được cấp vào ngày 4/4/2016, trong khi ngày đăng ký và nộp lệ phí (theo biên lai nộp tiền) là 5/7/2016?!?
Nộp lệ phí ngày 05/07/2016 nhưng ngày cấp giấy chứng nhận là 04/04/2016
Nắm rõ sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng của Viện, ngày 7/7, phóng viên đã đến trao đổi và làm việc với bà Bùi Thị Hương, Trưởng phòng Đào tạo tuyển sinh thì được biết: “Hàng tháng chúng tôi vẫn mở lớp, có thời khóa biểu đàng hoàng và chi tiết các buổi học. Trước khi mở lớp 7 ngày và sau khi kết thúc có báo cáo và kèm theo danh sách gửi lên Bộ và Sở Xây dựng Hà Nội đầy đủ. Cái này thực ra chỉ hỗ trợ các bạn không tham gia học được. Bên Viện cũng có yêu cầu các bạn làm bài kiểm tra, việc này chỉ là đi tắt và những vấn đề này không báo cáo lên cấp trên".
Khi hỏi về việc tại sao ngày cấp trong giấy chứng nhận lại quá sai lệch so với ngày đăng ký thì bà Hương lại lúng túng, vòng vo.
Phản ánh về vấn đề “đốt cháy giai đoạn” trong công tác cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ xây dựng của Viện lên Sở Xây dựng Hà Nội, ông Đình Huy, Phó phòng Kiểm định chất lượng và thí nghiệm cho biết: “Hồ sơ nộp tại Sở phải đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại Thông tư 25/2009/TT-BXD ngày 29/07/2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn chi tiết về cấp giấy chứng nhận hành nghề cũng như về quy định cấp giấy chứng nhận, nếu đủ điều kiện sẽ cho phép để cấp chứng chỉ và chứng nhận. Trường hợp không đủ điều kiện sẽ thông báo cho người nộp hồ sơ biết lý do. Các cơ sở làm tắt trong việc đào tạo nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận về tư vấn giám sát như vậy là sai quy trình, các cơ sở đó được phép đào tạo chứ không được phép trá hình để mua bán công khai như vậy".
Trụ sở Viện Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ xây dựng
Câu hỏi được đặt ra là rõ ràng có sự sai phạm nghiêm trọng trong công tác cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ xây dựng của Viện Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ xây dựng, nhưng việc làm này lại đang diễn ra rất công khai. Liệu rằng có hay không sự bao che cho việc làm này, bởi nếu như bất cứ ai cũng dễ dàng có trong tay tấm “giấy thông hành” này thì liệu còn bao nhiêu hệ lụy kéo theo khác khi mà nhiều người không có chuyên môn, năng lực thật sự nhưng vẫn ra làm quản lý trong lĩnh vực xây dựng?