61 năm đã qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Với niềm tự hào này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, xây dựng mảnh đất này thành điểm sáng nơi cực Tây của Tổ quốc.
Thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh Điện Biên Biên, có điểm nhấn là Cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”. Với diện tích trên 6,4 ngàn ha, thành phố có 7 phường và 2 xã, 14 dân tộc anh em sinh sống.
Ông Nguyễn Đức Đuyện, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Nhiều năm gần đây, hướng phát triển của thành phố vẫn là thương mại - dịch vụ và du lịch. Những năm tiếp theo, kinh tế mũi nhọn của thành phố vẫn phát triển theo hướng này. Đặc biệt với thế mạnh truyền thống của Điện Biên Phủ Anh hùng, thành phố sẽ quan tâm hơn nữa đến việc phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và kết hợp với văn hóa tâm linh để phát triển ngành du lịch.
Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries
Theo ông Nguyễn Đức Đuyện, để làm được việc đó, thành phố tập trung tuyên truyền, tăng cường ý thức của nhân dân quan tâm hơn nữa đến bảo vệ, phát huy thế mạnh vốn có, bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thành phố đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, nhà hàng khách sạn, dịch vụ internet, cây xanh- môi trường… để có được cơ sở hạ tầng tốt nhất, thu hút khách đến địa danh lịch sử này.
Phối hợp với các ngành có liên quan, thành phố sẽ tiếp tục các hoạt động trùng tu, bảo vệ và phát huy thế mạnh của Cụm di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Trình độ của đội ngũ cán bộ công chức, các cơ quan quản lý nhà nước cũng từng bước nâng lên tầm chuyên nghiệp hóa.
Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, các hộ kinh doanh tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, làm dịch vụ kinh tế, phát triển du lịch
Trên địa bàn thành phố có gần 5 ngàn hộ kinh doanh - dịch vụ. Thời gian qua, chính quyền địa phương phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đã triển khai một số công trình lớn như trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử; xây dựng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; vận động các doanh nghiệp xây dựng Khách sạn A1, Khách sạn Hải Vân… để phục vụ khách du lịch.
Với 67 cơ sở lưu trú gồm 11 khách sạn, 56 nhà nghỉ có trên 1.000 phòng, 33 nhà hàng, 334 cơ sở ăn uống vừa và nhỏ. 5 năm qua, địa phương này đã thu hút và phục vụ khoảng 1,2 triệu du khách đến tham quan, du lịch với doanh thu ước tính gần 1.200 tỷ đồng. Phục vụ cho nhu cầu văn hóa tâm linh trên mảnh đất Anh hùng, 2 Trung tâm văn hóa tâm linh là Linh Sơn và Linh Quang được hình thành tại các xã giáp danh với thành phố.
Đây là nơi thờ phụng, tưởng nhớ tới công lao của những Anh hùng liệt sĩ ngã xuống trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là nơi thu hút khách du lịch có nhu cầu văn hóa tâm linh.
Đặc biệt, để có thương hiệu riêng của mình, Điện Biên Phủ đã phủ xanh toàn bộ các tuyến đường bằng màu xanh của cây hoa ban - một loại hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Giờ đây du khách khi tới thăm địa danh này sẽ biết đến một tên gọi trìu mến: Thành phố hoa Ban.
Quy hoạch phát triển đô thị sắp tới, thành phố sẽ tập trung phát triển về phía Đông tại các phường Noong Bua, Him Lam và Nam Thanh. Thành phố đã xây dựng xong và đang triển khai thực hiện quy hoạch đô thị chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, đến năm 2018 này, thành phố Điện Biên Phủ sẽ cơ bản hoàn thành các tiêu chí để đạt đô thị loại 2.