Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng ủy quyền giao dịch tiền gửi, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP. HCM đã chiếm đoạt 245 tỉ đồng rồi bỏ trốn sang Mỹ.
Theo đó, từ năm 2014 đến đầu 2017, ông Lê Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP HCM được bà Chu Thị Bình, một khách hàng VIP của Ngân hàng Eximbank tin tưởng, ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Ông Hưng đã lợi dụng Bình ký khống giấy ủy quyền để điền tên 3 người được ủy quyền, gồm: Bà Nguyễn Thị Hồng Lê (người thân của vợ ông Hưng), ông Nguyễn Minh Huân và một người chưa rõ danh tính (người này và ông Huân là đối tượng kinh doanh vàng) để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà Bình. Mặt khác, ông Hưng còn chỉ đạo cấp dưới xác nhận giao dịch không đúng quy định của Eximbank, chi trả tiền không đúng người gửi. Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của bà Bình.
Vào khoảng tháng 2/2017, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi bỏ trốn khỏi Việt Nam. Thời điểm này, bà Bình kiểm tra số dư 3 sổ tiết kiệm, trong đó một sổ 247 tỉ đồng, một sổ 49 tỉ đồng và một sổ 5,4 tỉ đồng thì phát hiện toàn bộ tổng số tiền 301,4 tỉ đồng "không cánh mà bay".
Lập tức, bà Bình đến làm việc với Tổng giám đốc Eximbank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam (C44B) - Bộ Công an. Đầu tháng 2/2018, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TP HCM.
Ông Lê Nguyễn Hưng - Nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhanh TP. HCM đã bỏ trốn
Chiều 22/2, lãnh đạo Ngân hàng Eximbank đã công bố một số thông tin liên quan đến việc ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM - chiếm 245 tỉ đồng của khách hàng rồi bỏ trốn ra nước ngoài.
Theo đó, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank thừa nhận vụ việc ông Hưng lừa đảo là có thật, đồng thời cho biết theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đang ở Mỹ và đã bị công an Việt Nam thông báo truy nã quốc tế.
Tuy nhiên tất cả giao dịch liên quan đều có chữ ký thật của bà Bình- người bị mất tiền. Chữ ký trên giấy ủy quyền được Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công An) giám định là chữ ký thật. Còn người được ủy quyền có trường hợp thật, có trường hợp không thật.
Ông Quyết cũng thừa nhận trong trường hợp này nhân viên ngân hàng đã làm không đúng nhưng không đúng đến đâu cần cơ quan điều tra làm rõ.
Sau khi có kết luận điều tra, bà Bình đã đến làm việc với ngân hàng và mong muốn ngân hàng sớm trả tiền.
Tuy nhiên ông Quyết cho biết ngân hàng dù rất chia sẻ mong muốn của bà Bình và sự việc cũng đã kéo dài khá lâu nhưng đây là số tiền rất lớn, kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng. Ngân hàng phải làm đúng luật.
Bản thân Hội đồng quản trị ngân hàng cũng khó giải quyết vụ việc mà chỉ dựa trên kết luận của cơ quan điều tra mà hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi tòa án có phán quyết Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả ngay.