Chiếc vỏ đạn và 3 vết thủng trên gò má tử thi (P2)

An An| 13/05/2015 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau mỗi lần “mừng hụt” vụ án càng trở nên bế tắc. Không một chút manh mối, không một chút thông tin, nếu có, thì đó là những trường hợp dở khóc, dở cười hết sức éo le.

Có trong tay những chiếc vỏ đạn quý giá, cơ sở duy nhất để chuyển hướng điều tra vụ án nhưng dường như những mấu chốt của nó chưa thể tháo gỡ.

Đang trong lúc bế tắc, Ban chuyên án bất ngờ nhận được thông tin từ một đơn vị điều tra hình sự của Sư đoàn đoàn 333 Ðăk Lăk. Thông tin cho biết, một đối tượng đang bị điều tra về tội trộm cắp đã khai báo thêm rằng, trong thời gian ở địa phương gã đã từng dùng súng bắn chết một anh bộ đội ở Thái Bình.

Người này tên Nguyễn Văn Toàn quê ở Kiến Xương, làm công nhân quốc phòng của sư đoàn. Trong thời gian này Toàn đã trốn ngũ về địa phương, sau đó trở lại đơn vị đã có 2 lần trộm thuốc trừ sâu nên bị bắt giam để điều tra. Trong những lần thẩm vấn, Toàn khai tuồn tuột việc đã bắn chết một người để cướp tài sản.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban chuyên án đã cử trinh sát vào Đăk Lăk, phối hợp với đơn vị này di lý Toàn về Thái Bình để điều tra.

Có một điều khiến các trinh sát hết sức khó hiểu, là tự thú về hành vi giết người mà khuôn mặt anh ta tưng tửng, thậm chí còn rất hứng thú khi được di lý về Thái Bình. Và trong mọi lời khai của Toàn câu trước mâu thuẫn với câu sau và mâu thuẫn với toàn bộ những nội dung cơ quan điều tra có được. Việc Toàn khai mình dùng AK để bắn chết nạn nhân cũng không chính xác.

Sau nhiều lần đấu tranh, khai thác thì Toàn bất ngờ thú nhận anh ta không hề giết người. Toàn khai rằng, trong thời gian anh ta bỏ ngũ về địa phương đã từng nghe thông tin về vụ án. Sau khi bị Ban điều tra hình sự sư đoàn bắt giam về tội trộm cắp Toàn đã cố tình khai thêm vụ việc này với mục đích được giam giữ tại quê nhà.

Chiếc vỏ đạn và 3 vết thủng trên gò má tử thi (P2)

(Hình minh họa)

Sau vụ việc này, vụ án càng trở nên khó khăn và dần đi vào ngõ cụt. Ban chuyên án đã hết sức nỗ lực để tìm kiếm thông tin về nạn nhân nhưng không có kết quả. Các trinh sát lục lọi toàn bộ các trang hồ sơ, nghiên cứu từng chi tiết nhỏ nhất của vụ án để tìm manh mối nhưng lý lịch nạn nhân vẫn là một nút thắt khó tháo gỡ nhất.

Bất ngờ của vụ án đã xuất hiện. Một nguồn thông tin chuyển tới cho biết ngôi mộ của nạn nhân vừa được sửa sang và có người thắp hương lên mộ. Hôm đó là chiều ngày 29 Tết, chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm mới Nhâm Tuất.

Rất nhanh chóng, danh tính của người sửa sang ngôi mộ được làm sáng tỏ là ông Nguyễn Văn Tuất ở Kiến Xương. Xác minh thêm, trinh sát điều tra làm rõ ông Tuất có con rể là Bùi Quang Chiêm đã từng đi bộ đội và đóng quân ở Nghệ Tĩnh và phục viên năm 1981.

Tuy nhiên, ngay sau khi có được thông tin quý giá này thì cơ quan công an nhận được tin từ gia đình Chiêm là anh ta đã uống thuốc độc tự tử. Tiếp tục điều tra để làm rõ vụ án, Ban chuyên án đã cử trinh sát vào tận đơn vị cũ của của Chiêm để xác minh thông tin.

Tại đây, lãnh đạo đơn vị cho biết trước đây Chiêm từng có mối quan hệ rất thân thiết với một người tên Nguyễn Viết Xuân, quê ở Đông Hưng, Thái Bình cùng tổ tăng gia với Chiêm. Sau khi xem ảnh nạn nhân, lãnh đạo đơn vị khẳng định đó chính xác là Xuân.Trong thời gian ở quân ngũ, Xuân trộm thóc của đơn vị nên bị Tòa án Quân sự xử 9 tháng tù.

Đặc biệt, trước khi bị giam Xuân có gửi Chiêm 1 xe đạp Phượng Hoàng, 1 đồng hồ đeo tay Liên Xô. Tháng 10 năm 1981 Xuân được ra tù và trở về Kiến Xương tìm Chiêm để đòi lại tài sản. Tuy nhiên, khi đến đòi thì Chiêm lại không chịu trả. Trên đường anh Xuân trở về nhà, Chiêm lặng lẽ bám theo rồi bắn chết nạn nhân.

Tất cả hành vi của Chiêm được làm rõ, vụ án sáng tỏ. Tuy rằng cả hung thủ và nạn nhân đều không còn sống, nhưng việc làm sáng tỏ vụ án đã cho thấy sự nỗ lực, trách nhiệm của các trinh sát, cán bộ điều tra trong Ban chuyên án. Và cho đến bây giờ, trải qua hơn 30 năm nhưng trong ký ức của những người tham gia chuyên án ngày ấy vẫn không thể nào quên.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiếc vỏ đạn và 3 vết thủng trên gò má tử thi (P2)