Chữ ký số đã và đang trở thành một tấm giấy thông hành không thể thiếu trong hành trang của mỗi công dân thời 4.0. Để đạt mục tiêu 10 triệu chữ ký số cá nhân trong năm 2023, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ ký số từ xa, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt, vừa qua, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) triển khai thí điểm gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân tại không gian phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thu hút đông đảo người dân.
Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho hay, chữ ký số đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận, bảo đảm trách nhiệm, quyền và các nghĩa vụ của chủ thể tham gia ký kết văn bản, giao dịch điện tử.
“Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ công dân trong giải quyết thủ tục hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã làm việc với các đối tác và phối hợp với các Sở, ban, ngành, để triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho hơn 10 triệu công dân trên địa bàn Thủ đô. Việc triển khai thí điểm gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân là dấu mốc quan trọng, khởi đầu cho hoạt động này”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Như vậy, trong thời gian từ nay cho đến cuối năm, các gian hàng phát chữ ký số sẽ được duy trì tại địa điểm số 2 Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong các ngày tổ chức phố đi bộ. Hoạt động này góp phần tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng chữ ký số, là bước đệm, “chìa khóa” đưa người dân lên môi trường số. Các doanh nghiệp cũng sẽ tặng chữ ký số cho bất cứ công dân nào có nhu cầu sử dụng.
Ông Đỗ Thế Công, Giám đốc Ban chữ ký số và Hợp đồng điện tử, VNPT chia sẻ: Để có thể sở hữu một chữ ký số cho riêng mình, người dân cần trải qua các bước xác thực tương tự như thẻ ngân hàng hay chứng khoán: cung cấp căn cước công dân, định danh điện tử. Mọi thủ tục chỉ mất chưa đầy 5 phút.
"Khi áp dụng chữ ký số, toàn bộ quá trình đăng ký kê khai thủ tục hành chính của người dân được xác thực bằng chữ ký số. Người dân tiết kiệm thời gian đến điểm giao dịch, đảm bảo tính an toàn, xác thực đúng công dân đang thực hiện giao dịch, giúp thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan quản lý nhanh chóng, thuận tiện hơn", ông Đỗ Thế Công cho biết.
Theo Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia Tô Thị Thu Hương, cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa cho các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng sẽ góp phần gỡ được “nút thắt” về ứng dụng chữ ký số cá nhân. Thực tế, việc đẩy mạnh cung cấp chữ ký số từ xa đang là mục tiêu của nhiều nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân, theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác nhận 23 đơn vị tại Việt Nam có thể cung cấp chữ ký số cho công dân như VNPT, Viettel, FPT hay BKAV.
Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Chiến lược cũng xác định triển khai ký số từ xa theo hướng ưu tiên phổ cập việc sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân một cách đơn giản, thuận tiện, an toàn là 1 nhiệm vụ trọng tâm. Cho đến thời điểm này, trên cả nước đã có hơn 2 triệu chữ ký số được thiết lập, trong đó chữ ký số doanh nghiệp chiếm 70%, chữ ký số cá nhân chiếm 30%.