Nhờ mối quan hệ thân quen, nhiều người cho vay tiền mà không hề có bất cứ giấy tờ nào, chỉ có tin nhắn qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội? Vậy, tin nhắn có thể được coi là “bằng chứng” để đòi nợ khi người vay chây ỳ không trả hay không?
Vay tiền là một giao dịch dân sự khá phổ biến. Theo khoản 1 Điều 119 của Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có thể được thực hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Riêng giao dịch thực hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu cũng được coi là giao dịch bằng văn bản.
Theo đó, nhắn tin vay tiền được coi như giao dịch dân sự bằng phương tiện điện tử, tin nhắn có giá trị tương đương như văn bản.
Nhiều người cho vay tiền nhưng không có giấy tờ (Ảnh minh họa)
Vậy trong trường hợp, người vay tiền chây ỳ không trả nợ, tin nhắn giữa người cho vay và người vay thỏa thuận về việc cho vay có được coi là “bằng chứng” để khởi kiện trước tòa?
Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, chứng cứ được thu thập từ các nguồn:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
2. Vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
9. Văn bản công chứng, chứng thực;
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, người cho vay tiền có thể sử dụng tin nhắn – một loại dữ liệu điện tử - để làm bằng chứng khởi kiện người vay tiền theo thủ tục tố tụng dân sự.
Cụ thể, khi làm thủ tục kiện đòi nợ, bên cho vay cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn khởi kiện.
- Bản sao chứng thực Giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hộ chiếu…
- Bản sao tin nhắn thể hiện giao dịch vay tiền giữa người cho vay và người vay…
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người cho vay cần nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú. Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, thời hạn khởi kiện là 03 năm, kể từ ngày người cho vay biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Tuy nhiên, Tòa án sẽ không xem xét yêu cầu khởi kiện trong trường hợp giao dịch vay tiền được thực hiện giữa người vay và người cho vay không có năng lực hành vi dân sự; bên cho vay và bên vay không hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung thỏa thuận vay nợ vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội, lừa dối hoặc che giấu cho một giao dịch khác.
Trên đây giải đáp cho câu hỏi đòi nợ thế nào nếu như chỉ có tin nhắn cho vay tiền? Có rất nhiều tình huống trong thực tế, nếu như không nắm rõ được các quy định của pháp luật, bạn sẽ không biết cách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, việc cập nhật kiến thức pháp luật là điều cần thiết đối với tất cả người dân.
Trong những năm qua, LuatVietnam.vn được coi là là kênh thông tin pháp luật hữu ích đối với nhiều người. Không chỉ thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới, đây còn là website đăng tải các bài viết về chính sách, kiến thức pháp luật với phương châm giúp người dân cảm thấy hiểu luật không khó và luật không khó hiểu.