Trước sự chứng kiến của đông đảo người dân từ người già đến trẻ nhỏ, những chú lợn được chọn để hiến tế sẽ bị căng bốn chân, chém làm đôi, mọi người reo hò trong sự phấn khích rồi lấy máu lợn quết lên tiền...
Chém lợn để mong điều lành
Lễ hội Chém lợn được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, tại thôn Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh. Trong lễ hội, những con lợn khỏe mạnh được chọn ra làm vật hiến tế, sau khi được đặt lên kiệu rước đi quanh thôn sẽ bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của cả dân làng.
Lễ hội này được tổ chức định kỳ nhiều năm này đã thu hút sự chú ý của hàng ngàn người dân, bao gồm rất nhiều trẻ em, từ các xã xung quanh tập trung tại địa điểm này để quết máu lợn lên tiền rồi mang về nhà với niềm tin rằng, điều đó sẽ mang lại may mắn cho họ cả năm.
"Ông lợn" đã được hạ kiệu để chuẩn bị "hành quyết"...
Thôn Ném Thượng giờ đây đã có nhiều đổi khác, người dân ngoài việc trồng lúa, làm bún… giờ đã có thêm những công việc mới trong các khu công nghiệp lân cận. Sự thay đổi trong cuộc sống mới vẫn không làm thay đổi những nếp cũ, trong đó có tục hiến tế lợn đầu năm. Phần đông dư luận chứng kiến trực tiếp màn tế lễ hoặc qua ảnh, phim quay đều cảm thấy lễ hội mang tính bạo lực và có phần man rợ. Nhưng người dân Ném Thượng vẫn coi đây một nhu cầu, một tục lệ được chấp nhận một cách thành kính tại làng quê này.
Vậy là, lễ hội vẫn được diễn ra hàng chục năm nay và đến hẹn lại lên, Bắc Ninh lại đang rốt ráo cho lễ hội chém lợn đón năm Ất Mùi.
Cần chấm dứt hủ tục
Việc hành hạ, chém giết động vật những năm gần đây đã bị dư luận nhiều nước lến tiếng chỉ trích, thậm chí, nhiều phong trào đã diễn ra nhằm phản đối những hành vi tàn nhẫn này. Cụ thể, tại bang Himachal Pradesh (Ấn Độ), trong năm 2014, Tòa án Tối cao đã yêu cầu cảnh sát và các quan chức địa phương thực thi lệnh cấm giết mổ động vật tại các đền thờ Hindu. Phán quyết nêu rõ, "không ai được phép hiến tế động vật sống tại nơi thờ phụng, kể cả ở những khu vực và công trình lân cận".
Theo các quan tòa, hàng ngàn con vật bị công khai giết mổ mỗi năm “vì mục đích thờ cúng” và “Hiến tế gây ra nỗi đau thể xác to lớn cho những con vật vô tội. Không thể nào thờ phụng các vị thần bằng những hành vi giết chóc dã man như thế".
Hay tại Đan Mach, nhằm hạn chế tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đan Mạch Dan Yorgansen đã ký sắc lệnh cấm giết mổ gia súc phục vụ cho nghi lễ tôn giáo mà không gây mê chúng trước khi giết mổ vào tháng 2/2014. Vị Bộ trưởng này tuyên bố: “Quyền của động vật còn quan trọng hơn các nghi lễ tôn giáo”.
Tại Việt Nam, Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh đã và đang tạo ra những hình ảnh phản cảm trong dịp đầu năm mới, đặc biệt trước sự chứng kiến của nhiều trẻ em. Từ đó gây không ít dư luận xấu.
... rồi bị căng bốn chân
Chém ngang thân
Mọi người tập trung lấy máu lợn quyết vào đồng tiền để "lấy may"
Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng, đây là lễ hội tàn bạo nhất ở Việt Nam, gây ra không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt. Bao gồm những ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động tới kinh tế xã hội, cụ thể ở đây là tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Theo đại diện của tổ chức này “Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với những người khác trong cùng cộng đồng”.
Đồng thời, Tổ chức Động vật Châu Á khuyến cáo: “Văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và chuyển hóa theo thời gian, những hủ tục không còn phù hợp nên được sửa đổi. Ngoài ra lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hóa của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau.
Hành động chém giết lợn trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hóa sống của con người. Người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo và đó là truyền thống đẹp, cần được phát huy.
Những lễ hội sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này, đang làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp đó của người Việt Nam”.
Nhiều trẻ em khi chứng kiến cảnh lợn bị chém làm đôi thấy khiếp đảm và phấn khích
Được biết, từ hai năm nay, Tổ chức Động vật Châu Á liên tục gửi đi các công văn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng với mong mỏi lễ hội này sẽ chấm dứt hoàn toàn các hoạt động giết lợn dã man và phản cảm này.
Phản ứng quyết liệt hơn, năm nay mặc dù chưa đến Tết Ất Mùi, nhưng ngay ngày hôm qua (27/1), Tổ chức Động vật Châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành luật chấm dứt Lễ hội chém lợn, tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
* Ảnh sử dụng trong bài do Tổ chức Động vật Châu Á cung cấp