Chế định Hội thẩm nhân dân trong hệ thống pháp luật của nước ta đã giúp bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, tạo điều kiện cho nhân dân trực tiếp thực hiện quyền tư pháp.
Chế định này đưa tiếng nói của nhân dân vào quá trình xét xử, giúp cho việc xét xử chính xác, khách quan, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.
Vai trò của Hội thẩm nhân dân
Tổ chức và hoạt động của TAND ở nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay đã trải qua nhiều thay đổi quan trọng nhưng chế định Hội thẩm nhân dân (HTND) chỉ có một thay đổi cơ bản sau cải cách tư pháp lần thứ nhất vào năm 1950. Ngay từ thời kỳ đầu, mô hình tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào xét xử với Phụ thẩm nhân dân (trước đây) và HTND (sau này) vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Mặc dù số lượng Phụ thẩm hoặc HTND tham gia vào Hội đồng xét xử không lớn, nhưng với những thay đổi về thành phần Hội đồng xét xử, mở rộng diện người có thể làm HTND, mở rộng quyền của HTND dưới nhiều góc độ chứng tỏ rằng, tiếng nói của nhân dân có ý nghĩa đáng kể trong quyết định cuối cùng mà Tòa án đưa ra.
Giai đoạn từ năm 1945 đến 1950, Phụ thẩm nhân dân phải thực thi nhiệm vụ của mình dựa trên “lý trí sáng suốt”, “lương tâm ngay thẳng” một cách công bằng, không vị nể, không sợ hãi, không tư thù hay thiên vị. Phụ thẩm có nghĩa vụ tham gia phiên tòa khi được lựa chọn và nếu vắng mặt có thể bị phạt tiền tăng dẫn theo số lần vi phạm; có thể bị mất chức Phụ thẩm. Phụ thẩm cũng có nghĩa vụ giữ bí mật nội dung nghị án và có thể bị phạt tù nếu vi phạm. Trong thời kỳ này, tiêu chuẩn làm Phụ thẩm nhân dân là khá cao, nhưng vai trò của Phụ thẩm có phần yếu thế so với các Thẩm phán chuyên nghiệp, thẩm quyền của họ cũng có phần bị hạn chế.
Các Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử
Tổng kết vai trò của Phụ thẩm nhân dân tại Tòa án trong giai đoạn trước năm 1950, các nhà cải cách đã chỉ ra một số nhược điểm, đó là: Phụ thẩm nhân dân không có đủ điều kiện và không có đủ quyền hạn để hoàn thành nhiệm vụ; quá trình lựa chọn Phụ thẩm không được tiến hành thấu đáo, mang tính hình thức nên chất lượng người được lựa chọn không cao; người được cử làm Phụ thẩm không nhận thức đúng mức nhiệm vụ, không nhiệt tình thực hiện công việc. Do vậy, để củng cố chế định HTND, việc cải cách tư pháp đã dân chủ hóa bộ máy tư pháp theo hướng thành phần nhân dân cần được đa số trong việc xét xử. Hội thẩm nhân dân phải được tham gia xét xử cả việc hình và việc hộ, có quyền biểu quyết. Với việc cải cách đó, chế định HTND ở Việt Nam đã thay đổi cơ bản về chất so với chế định Phụ thẩm nhân dân trước đây. Những nguyên tắc cơ bản của cải cách đối với chế định HTND vẫn được kế thừa trong hệ thống pháp luật từ đó đến nay với những sửa đổi cần thiết, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Những nét cơ bản của chế định HTND hiện nay
Trong suốt gần 70 năm qua, chế định HTND ở nước ta luôn được khẳng định rõ trong các Hiến pháp (Điều 65 Hiến pháp 1946; Điều 99 Hiến pháp 1959; Điều 130 Hiến pháp 1980; Điều 120 Hiến pháp 1992; Điều 103 Hiến pháp năm 2013); trong các Sắc lệnh và Luật Tổ chức TAND, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND, trong các bộ luật về thủ tục tố tụng. Mặc dù có những thay đổi nhất định, nhưng tinh thần của những cải cách năm 1950 vẫn được duy trì.
Về phạm vi tham gia xét xử, hiện nay, HTND chiếm đa số trong Hội đồng xét xử ở tất cả các phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, HTND không tham gia xét xử ở cấp phúc thẩm, trừ trường hợp phiên tòa xét xử phúc thẩm hình sự khi xét thấy cần thiết, nhưng số lượng HTND không chiếm đa số. Quy định về phạm vi tham gia xét xử có HTND tham gia của Việt Nam khá tương đồng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vai trò của HTND có quyền lực mạnh, ngang với Thẩm phán. Với tư cách là thành viên của Hội đồng xét xử, HTND có quyền tiến hành các hoạt động tố tụng, biểu quyết như Thẩm phán về tất cả những vấn đề thuộc quyền của Hội đồng xét xử, theo nguyên tắc đa số. Với số lượng đa số trong Hội đồng xét xử, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho HTND phát huy mạnh mẽ vai trò là người đại diện của nhân dân tại Tòa án. HTND có quyền được đào tạo nghiệp vụ, được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật, được bảo đảm nhiệm kỳ làm Hội thẩm; có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác, được bảo vệ công ăn việc làm.
Chế định HTND cũng giúp tăng cường nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; giúp nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án một cách trực tiếp, dân chủ, qua đó minh bạch hóa hoạt động của Tòa án. Đây là những giá trị chung của chế định Hội thẩm đối với nền tư pháp của Việt Nam nói riêng và các quốc gia nói chung. Tuy nhiên, mặc dù đã có những quy định bảo vệ việc làm, tính mạng, an toàn cho Hội thẩm nhưng chưa có những quy định và chế tài đủ mạnh mang tính răn đe, phòng ngừa để bảo vệ HTND.
Hiện nay, tại Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Ban soạn thảo đã dành hẳn Chương VIII để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, nhiệm kỳ của Hội thẩm; thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm; chế độ, chính sách, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân đối với Hội thẩm. Những quy định về chế định HTND trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã từng bước hoàn thiện chế định HTND tại nước ta theo hướng tăng cường hơn nữa sự tham gia thực sự, có chất lượng của nhân dân vào quá trình xét xử tại Tòa án như: Tăng số lượng Hội thẩm trong các Hội đồng xét xử; tăng cường năng lực chuyên môn, kỹ năng xét xử cho Hội thẩm; cải tiến cơ chế quản lý và giám sát Hội thẩm theo hướng mở rộng quyền hạn đi đôi với ràng buộc trách nhiệm...
Theo quy định của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì HTND là những “công dân tiêu biểu”, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, do đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn chuyên biệt, được giới thiệu và bầu ra theo một quy trình rất chặt chẽ. Việc hoàn thiện chế định HTND phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam sẽ giúp cho Tòa án thực hiện tốt quyền tư pháp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, nhất là trong giai đoạn cải cách tư pháp đến năm 2020.