Nữ cử nhân thủ khoa đươc nhận về cơ quan và trở thành nhân viên trẻ nhất trong khi ông trưởng phòng, ông giám đốc đã 55-56 tuổi, bà công đoàn đã ngoài 50.
Không ai dạy cho cô gái cách xưng hô nào khác, cô vẫn thưa “chú” trưởng phòng, “cô” công đoàn và “bác” giám đốc vì cả hai vị đều hơn tuổi cha mẹ cô. Mọi người ở cơ quan đều quen xưng hô với các sếp như vậy và chẳng có gì cản ngại cho công việc, trừ khi họp chi bộ các đại từ chú, cô, anh, chị, và cháu được thay bằng “tôi”, “đồng chí”.
Đề án chuẩn văn hoá công sở sẽ có những quy định chi tiết tới từng cách xưng hô, trang phục cho đến cả cách bắt tay...
Nay bỗng dưng có dự thảo của Bộ Nội vụ về chuẩn hóa văn hóa công sở - một đề án được Bộ này triển khai trong thời gian tới để ra một nghị định “cứng” về vấn đề xưng hô trong công sở. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về “Văn hóa công sở” để có một nghị định về vấn đề này, bởi đối với công chức ở công sở, có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là văn hóa. Ví dụ cách xưng hô trong quan hệ công tác sao cho hợp lý, chứ cứ "chú cháu, bác cháu" là không phù hợp.
Nhận xét là xưng hô không phù hợp nhưng các chuyên gia phòng lạnh không vạch ra cho các cháu biết cách xưng hô như thế nào? Ai lại xưng tôi với người hơn bố mình. Và ai nỡ xưng anh với người còn thua tuổi con út mình... Điều cốt yếu là kết quả công tác. Ngoài ra công sở còn là nơi tiếp dân. Hãy tưởng tượng cậu nhân viên tiếp nhân hồ sơ rất lễ phép thưa một công dân râu dài che hết cằm: Dạ thưa cụ “đồng chí” cần gì ạ? Nghe mà não ruột!
Nghe nói còn thấy có dự thảo ở đâu đó bàn đến độ dài của váy công sở sao cho phù hợp…Lý do được giải thích rằng: Tất cả hoạt động công vụ diễn ra nơi công sở được thực hiện sao cho có văn hóa cũng là phản ánh chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức…
Mới đây cộng đồng mạng còn bàn cãi về việc có nên ban hành quy định cụ thể về việc ngủ trưa nơi công sở. Chết chết, ông phó cơ quan tôi nếu mất 20 phút ngủ trưa là đi đứt buổi chiều không làm được gì kể cả ký một cái công văn cũng mất cả giờ đọc đi đọc lại. Các chuyên gia y tế cho rằng với người làm việc trí óc, giấc ngủ trưa dù ngắn nhưng rất quan trọng. Vì thế, tùy điều kiện cụ thể mà quy định một cách linh hoạt chứ không thể quy định “cứng” về “nghỉ trưa”.
Dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức, trong đó cấp thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ cao cấp bậc 6 (giỏi ngang phiên dịch) trở lên. Điều này là “quá sức” so với mặt bằng chung hiện nay của cả trăm thứ trưởng…
Đành rằng đây mới là dự thảo ban đầu ở cấp chuyên viên được gửi để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đưa lên để lấy ý kiến nhân dân, rồi sau đó sẽ tổng hợp để tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện. Bộ Nội vụ sẽ còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo để thảo luận. Riêng tiêu chuẩn ngoại ngữ thì Bộ Nội vụ sẽ trao đổi và lấy ý kiến của Bộ GDĐT cũng như các cơ quan có liên quan khác để việc quy định tiêu chuẩn ngoại ngữ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.
Thật nhiêu khê và lắm chuyện quá! Sao không thấy bàn xem có cách gì giảm số 30% công chức “vô tích sự” như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nhỉ. Đành chờ các cấp chuyên viên nghiên cứu đã!
Bảo Dân