Châu Âu đối mặt với “động đất chính trị”

Vũ Minh| 20/01/2015 15:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

EIU nhận định, có một "lỗ hổng lớn đúng trung tâm nền chính trị châu Âu” và rằng “khủng hoảng dân chủ” ở châu Âu chính là khoảng cách giữa cử tri và tầng lớp lãnh đạo.

Theo một nghiên cứu của Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), các chấn động chính trị có thể xảy đến cho châu Âu trong năm 2015, BBC đưa tin.

EIU nhận định, có một "lỗ hổng lớn đúng trung tâm nền chính trị châu Âu” và rằng  “khủng hoảng dân chủ” ở châu Âu chính là khoảng cách giữa cử tri và tầng lớp lãnh đạo.  

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các đảng theo chủ nghĩa dân túy đang ngày càng được ưa chuộng nên có thể thắng cử. Các đảng lớn chính thống có thể buộc phải hình thành những liên minh mà trước kia không thể tưởng tượng được.

Châu Âu đối mặt với “động đất chính trị”

Việc gia tăng các đảng dân túy sẽ gây ra một cú shock đối với Liên minh châu Âu

Bất ổn gia tăng

Vương quốc Anh sẽ có bầu cử vào tháng Năm tới. Theo nghiên cứu của EIU, nước này có thể sẽ đi vào một thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài.

Nhiều khả năng cuộc bầu cử sẽ dẫn tới việc hình thành một chính phủ không ổn định, với dự đoán hai đảng truyền thống - Bảo thủ và Lao động - sẽ mất phiếu bầu vào tay Đảng Độc lập Dân túy Anh quốc (UKIP).

Sự phân chia lựa chọn ưu tiên của cử tri cùng với hệ thống bầu cử First Past the Post - FPTP (người dẫn đầu sẽ thắng cử), sẽ khó hình thành chính phủ do một đảng nắm dựa trên đa số tại Quốc hội như quy tắc trước đây.

Châu Âu đối mặt với “động đất chính trị”

Sự suy giảm phần trăm các đảng truyền thống từ năm 1980 - 2009. Nguồn: BBC, EIU

Tuy nhiên thách thức chính trị trước mắt có thể thấy là Hy Lạp, quốc gia được cho là “ví dụ cho thấy chủ nghĩa dân túy dẫn đến thắng lợi trong bầu cử như thế nào”.

Ngày 25/01 tới, Hy Lạp sẽ có bầu cử bất thường sau khi Quốc hội không chọn được tân Tổng thống vào hồi tháng 12 năm ngoái.

Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy Đảng Syriza, do Alexis Tsipras dẫn dầu, xu hướng dân túy và cực tả nổi lên như là đảng mạnh nhất. Và nếu Syriza thắng cử và có thể hình thành chính phủ, thì điều này có thể gây chấn đông toàn Liên minh châu Âu (EU) và gây ảnh hưởng tới chính trị các nước khác, nhất là các chủ nợ của Hy Lạp.

EIU nhận định: "Việc thắng cử của Đảng Syriza sẽ khiến cho tình trạng bất ổn gia tăng, cả trong nước và khu vực. Nó sẽ làm nổ ra một cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế của nước này”.

Thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố sẵn sàng cho Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng Euro nếu Syriza giành chiến thắng và và đảo ngược các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Theo nhiều nhà kinh tế, kịch bản “chính phủ từ chối trả nợ, tình trạng rút tiền gửi đột ngột và phía nhà đầu tư tháo chạy” sẽ là viễn cảnh đối với Hy Lạp nếu rút khỏi Eurozone.

Một số quốc gia khác cũng chuẩn bị bầu cử và được đánh giá là kết quả sẽ khó đoán định bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Đức và Ireland.

Theo EIU, “Có một đặc điểm chung ở các quốc gia này, đó là sự gia tăng các đảng dân túy. Tâm lý chống chính phủ hiện đang dâng cao trong khu vực sử dụng đồng euro, cũng như EU; nguy cơ chia rẽ và khủng hoảng chính trị tăng cao”.

Biểu tình gia tăng

Trong khi đó, bên cạnh sự gia tăng nổi bật của các phong trào dân túy, biểu tình nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới trong những năm gần đây.

Theo báo cáo của EIU, các phong trào biểu tình lớn đang diễn ra ở hơn 90 quốc gia trong 5 năm qua. Các cuộc biểu tình này thường do tầng lớp thanh niên, có học, trung lưu lãnh đạo. Họ thường căm ghét các lãnh đạo chính trị hiện thời, ưa chuộng mạng xã hội hơn là các phương tiện vận động chính trị truyền thống.

EIU nhận định: “Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và Mỹ Latinh là các khu vực xảy ra nhiều biểu tình nhất. Châu Á và Bắc Mỹ có xảy ra, nhưng ít hơn. Các cuộc biểu tình diễn ra bởi nhiều lý do khác nhau - một số vì lý do kinh tế, số khác chống lại độc tài, một số khác thì muốn tiếng nói của mình được giới lãnh đạo chính trị lắng nghe..."

Theo EIU, “Việc gia tăng biểu tình khiến chúng ta đặt ra một câu hỏi rằng liệu chúng có đe dọa nền dân chủ hay đó là bằng chứng cho thấy nền dân chủ đang phát triển mạnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu đối mặt với “động đất chính trị”