Các nghị sỹ cấp cao của Nga nhận định, vụ tấn công ở Nice đêm 14/7 là một minh chứng cho thấy, sự hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố là vô cùng quan trọng và châu Âu chỉ còn một cách duy nhất là bắt tay với Nga.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác muốn kiểm soát thế giới bằng nỗi sợ hãi
Theo nghị sỹ Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc tế Thượng viện Nga, vụ tấn công đêm 14/7 cho thấy các nước phương Tây cần phải bắt đầu mối quan hệ hợp tác với Nga và các đơn vị đặc nhiệm của nước này để chống lại mối đe dọa chung từ những kẻ khủng bố.
"Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác muốn kiểm soát thế giới bằng nỗi sợ hãi, nhưng thế giới lại không đoàn kết và cùng nhau đối phó với chúng, tạo cơ hội cho chúng phát triển ở mọi ngóc ngách”, ông Kosachev nói.
Trong khi đó, bà Irina Yarovaya, Chủ tịch Ủy ban An ninh Duma Quốc gia Nga nói rằng, thế giới cần chấm dứt thói đạo đức giả, và cần hành hành động quyết liệt, dứt khoát hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. “Cuộc chiến này cần phải dựa trên luật quốc tế cũng như luật pháp quốc gia", bà Yarovaya nói.
Bà cũng khẳng định, sẽ không có thảm họa đêm 14/7 ở Nice nếu các nhà chức trách Pháp chấp nhận đề xuất của Nga cùng chung sức chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Sẽ không có thảm họa đêm 14/7 ở Nice nếu các nhà chức trách Pháp chấp nhận đề xuất của Nga cùng chung sức chống lại chủ nghĩa khủng bố
Phát biểu trên truyền hình hôm 15/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng, chỉ có nỗ lực chung, cùng nắm tay nhau mới có thể xóa bỏ được chủ nghĩa khủng bố. Ông đồng thời chia sẻ những mất mát đau thương mà nước Pháp đang phải gánh chịu trong vụ khủng bố ở Nice. "Vụ tấn công nhắm vào dân thường ở Nice – trong đó có cả công dân Nga – là hành động vô cùng tàn ác", ông Putin nói.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/7, trong cuộc đàm phán về cơ chế phối hợp để tiêu diệt khủng bố Hồi giáo (IS) giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Nga trong việc tăng cường hợp tác quân sự và tình báo chống Nhà nước Hồi giáo, Al-Qaeda ở Syria cho thấy, những nỗ lực từ phía Mỹ đối với trận chiến lâu dài ở quốc gia Trung Đông này.
Trước cuộc đàm phán này, Washington Post (Mỹ) đã công bố một dự thảo thỏa thuận hợp tác chia sẻ thông tin tình báo xác định các mục tiêu cấp cao, các trại huấn luyện, các tuyến đường cung cấp nhu yếu phẩm của tổ chức Mặt trận Nursa ở Syria giữa Mỹ và Nga.
Theo dự thảo này, Mỹ và Nga sẽ lập trung tâm chỉ huy quân đội chung, tập trung các quan chức quân đội và tình báo, chia sẻ thông tin, lên kế hoạch và xác định mục tiêu không kích. Các chuyên gia này sẽ quyết định ngày nào cùng nhau không kích các mục tiêu Mặt trận Nursa. Đây là một bước tiến lớn sau nhiều năm căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga.