Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ.
Chiều nay, 7/6, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2 ngày rưỡi đối với các “tư lệnh ngành” thuộc 4 lĩnh vực gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải. Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến kỳ vọng vào một phiên chất vấn diễn ra thành công với nhiều đột phá mới.
Trả lời cụ thể, quy rõ trách nhiệm, tránh đưa giải pháp chung chung
Liên quan đến nội dung các nhóm chất vấn, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đánh giá Quốc hội đã chọn 4 Bộ trưởng của 4 lĩnh vực để trả lời chất vấn phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri.
Theo đại biểu Lộc, đối với vấn đề tài chính, ngân hàng, hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ kép, vừa ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện sức ép lạm phát rất lớn, vừa phải thực hiện biện pháp để giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Hai chính sách này dường như ngược nhau, do đó, cần sự kết hợp hài hòa, linh hoạt. Đây là những vấn đề cử tri quan tâm hàng đầu, bởi tăng trưởng của nền kinh tế sẽ gắn với công ăn việc làm, thu nhập, trong khi lạm phát lại ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, giá cả, thị trường.
Về vấn đề giao thông sẽ được giải trình bởi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tới đây, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chính phủ và Quốc hội đang đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, các tuyến đường cao tốc, đường vành đai quanh Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, đây là lĩnh vực rất quan trọng liên quan tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và giúp cải thiện đời sống nhân dân. Chính vì đây là vấn đề lớn liên quan đến việc phát triển của đất nước và quyền lợi của người dân, do đó cần sử dụng nguồn lực ngân sách rất lớn. Hiện nay, đồng bào cử tri rất quan tâm đến chủ trương của Chính phủ, của các bộ, ngành và đặc biệt là kế hoạch để triển khai các dự án cụ thể ra sao.
Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo đánh giá của đại biểu đoàn Hà Nội cũng là vấn đề cử tri luôn quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn có tiềm năng phát triển vô cùng lớn nhưng cũng đang đòi hỏi phải có những động lực mới. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 xảy ra, một dòng người rất lớn từ các khu công nghiệp trở về nông thôn, họ cần công ăn việc làm, cần khởi nghiệp ở nông thôn. Làm thế nào để thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp ở nông thôn để mang lại một cuộc sống hạnh phúc cho người dân, làm sao cho người dân có thể không cần li hương vẫn có thể lập nghiệp, có thể có cuộc sống hạnh phúc là câu hỏi lớn cần các tư lệnh ngành giải đáp. Đó cũng là cách để giảm tải dòng người đổ dồn về các thành phố lớn, gây quá tải.
“Chúng tôi rất hi vọng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ trao đổi với các đại biểu Quốc hội những định hướng và làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm cũng như tiếp nhận những đóng góp của cử tri thông qua các đại biểu Quốc hội để đưa vào tờ trình Chính phủ trong việc thúc đẩy nông nghiệp, phát triển nông thôn trong thời gian tới. Tôi cho rằng, cả 4 chủ đề được chất vấn tại kỳ họp này đều là chủ đề "nóng" cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Lộc đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng, cả 4 lĩnh vực được chất vấn kỳ này đều là những vấn đề "nóng". Theo đại biểu, việc chất vấn không phải chỉ đưa ra những vấn đề cần giải quyết trong giai đoạn hiện nay mà cả giai đoạn sắp tới. Đây cũng là cơ hội để các tư lệnh ngành có thể giải trình được các chính sách, biện pháp từ phía Chính phủ, bộ, ngành nhằm giải quyết các vấn đề đang “nóng” trong xã hội, từ đó tạo niềm tin trong cử tri và toàn xã hội, tạo ra động lực để phục hồi kinh tế sau khi cả nước vừa trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn.
Kỳ vọng hơn vào chất lượng phiên chất vấn bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho biết, trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay các đồng chí tư lệnh, trưởng ngành cũng nắm chắc vấn đề mình quản lý và cũng đã trả lời vào thẳng vào những bức xúc của cử tri thông qua các đại biểu Quốc hội. Có một số các bộ trưởng đã giải trình rõ lý do, chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề đại biểu nêu. Thế nhưng, nhiều giải pháp đưa ra cũng chưa thật sự hiệu quả, một phần do nguyên nhân khách quan, chủ quan.
“Tôi kỳ vọng, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn này, các đồng chí trưởng ngành phải đi thẳng vào vấn đề, làm rõ nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm tại sao để những vướng mắc, tồn tại kéo dài trong lĩnh vực mình phụ trách. Đồng thời, đề ra phương hướng xử lý ai, xử lý thế nào, trong một thời gian là bao lâu. Tôi hy vọng, các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời cụ thể, quy rõ trách nhiệm, tránh đưa giải pháp chung chung, nhìn thẳng vào sự thật để không phụ sự kỳ vọng của cử tri”, bà Bùi Thị An bày tỏ.
Tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề
Về các nội dung chất vấn nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng, tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin và từ các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, bảo đảm sát thực nhất với tình hình thực tiễn, với mong muốn, nguyện vọng và những vấn đề cử tri, nhân dân đang quan tâm, đang lo lắng hay bức xúc.
Kết quả lấy phiếu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội trong trao đổi với báo chí vừa qua cũng đánh giá rất cao các đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, những vấn đề đưa ra chất vấn lần này đã đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của thực tiễn cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ có ý nghĩa, tác động trực tiếp trong điều kiện chúng ta đang nỗ lực phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng mà còn đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.
Kỳ vọng ở phiên chất vấn có nhiều đột phá, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, chúng ta hay nói rằng, mỗi phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội là một “cuộc sát hạch” không chỉ đối với người trả lời chất vấn mà còn với chính đại biểu Quốc hội, với Chính phủ và với Quốc hội, việc đó rất quan trọng để nâng tầm, nâng chất của người trả lời chất vấn, người chất vấn. Điều này rất đúng, bởi ngay trong việc lựa chọn nội dung chất vấn đã thể hiện Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội có thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân hay không.
Cử tri và nhân dân chờ đợi các phiên chất vấn không chỉ vì qua đó họ thấy được đại biểu Quốc hội và các "tư lệnh ngành" đối đáp trực diện với nhau thế nào mà quan trọng hơn là vấn đề họ quan tâm sẽ được xử lý ra sao? Quốc hội sẽ làm gì, Chính phủ sẽ làm gì, bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì để xử lý triệt để những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để giúp cho người dân và doanh nghiệp có cuộc sống tốt hơn, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, kinh tế - xã hội phát triển hơn. Đó mới chính là đích đến và là thành công thực sự của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Ông Cường đưa ra ví dụ trong lĩnh vực tài chính, những vấn đề “nóng hổi” vừa qua như hoạt động bất thường của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin không đúng sự thật, không kiểm chứng, gây nhiễu loạn thị trường không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Bộ trưởng Bộ Tài chính khi giải trình tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội đã khẳng định, về lâu dài, thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt. Điều này đúng rồi, nhưng điều mà cử tri và nhân dân chờ đợi là giải pháp cụ thể như thế nào để chấn chỉnh, phòng ngừa những sai phạm, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch cho sự phát triển lành mạnh của thị trường hết sức quan trọng này. Bộ trưởng cũng đã cam kết sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 để "bịt" lỗ hổng trên thị trường chứng khoán… Tôi đánh giá cao những đề xuất này nhưng cần cụ thể hơn nữa, bao giờ sẽ trình các nội dung này và phương án “bịt” lỗ hổng như thế nào để đạt mục tiêu lành mạnh hóa, minh bạch hóa thị trường chứ không phải là những giải pháp mang tính tình thế, chuyển đột ngột trạng thái “từ cực tả, sang cực hữu” từ quản lý lỏng lẻo, sang bóp nghẹt thị trường.
Hay trong việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta biết rằng Nghị quyết 43 được ban hành trong bối cảnh rất đặc biệt với kỳ vọng rất lớn sẽ tạo cú hích để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phục hồi kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng đến nay việc triển khai còn rất chậm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp sáng 4.6 vừa qua đã nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết 43 là nhiệm vụ khó nhưng phải làm và phải cố gắng làm nhanh nhất, hiệu quả nhất. Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Ba này, chúng ta đều thống nhất, phải xác định việc thực hiện khẩn trương, hiệu quả Nghị quyết 43 là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các bộ, ngành, địa phương, phải cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai phần việc của ngành mình, lĩnh vực mình, địa phương mình. Vậy đại biểu Quốc hội phải truy cho rõ giải pháp để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đó như thế nào? Ví dụ trong ngành tài chính thế nào? Trong ngành ngân hàng thế nào? Từng bộ, ngành liên quan ra sao? Thậm chí các địa phương thế nào… chứ không thể chỉ dừng lại ở những cam kết chung chung.
“Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước. Với tâm thế như vậy, tôi tin rằng, 2 ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này sẽ được các đại biểu tận dụng tối đa để đạt hiệu quả cao nhất”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kỳ vọng.
Chiều nay (7/6), Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Phiên chất vấn trả lời chất vấn Bộ trưởng Hoan sẽ diễn ra từ chiều ngày 7 và sáng 8/6.
Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các nội dung:
Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.
Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đầu giờ sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất.