Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đã đón 4.2 triệu lượt khách quốc tế, trong khi đó một số khách sạn, resort hàng đầu còn được vinh danh có chất lượng, phục vụ, tiện nghi nhất châu lục và thế giới.
Năm 2017 là năm đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam bởi đây là năm Việt Nam là nước chủ nhà của Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương- APEC 2017.
Trong năm APEC 2017, có khoảng 200 hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ, trong đó có 20 hội nghị cấp SOM trở lên và Tuần lễ Cấp cao được tổ chức tại Việt Nam. Đà Nẵng sẽ là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 dự kiến diễn ra từ 5-11/11/ 2017 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên và hàng nghìn đại biểu chính thức, phóng viên báo chí nước ngoài và các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Năm APEC 2017 đang mở ra cơ hội lớn với các ngành kinh tế của Việt Nam nói chung và ngành du lịch dịch vụ nói riêng. Để làm tốt vai trò của nước chủ nhà, công tác lưu trú được đặc biệt coi trọng và đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Hội thảo của Câu lạc bộ quản lý Buồng Việt Nam lần này cũng chính là dịp để nhà quản lý bộ phận của các khách sạn, resort hàng đầu tại Việt Nam thêm một lần học hỏi, tập dượt sẵn sàng chào đón các vị khách quý đến Việt Nam trong năm APEC 2017. Hoạt động này cũng đang góp phần đưa dịch vụ buồng phòng của Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn, phát triển ngang với các nước trong khu vực và vươn lên tầm thế giới.
Bà Đỗ Hồng Xoan (Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) cho rằng từ một nền kinh tế du lịch ít người biết đến, năm 2011 Việt Nam lần đầu tiên đón 2,3 triệu khách du lịch quốc tế. Đến năm 2016, Việt Nam đã đón tới trên 10 triệu lượt khách, ghi một dấu mốc quan trọng. Đặc biệt, ngành du lịch còn tiếp đón, phục vụ cho 62 triệu khách nội địa trong năm 2016.
“Tổng doanh thu trong năm 2016 của ngành du lịch ước tính đạt khoảng 400.000 tỉ đồng, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 3 triệu người lao động. Chỉ tính riêng 4 tháng năm 2017 chúng ta đã đón được 4,2 triệu khách quốc tế, đây là con số rất đáng ghi nhận”, bà Xoan nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang, Chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho rằng đối với các quản lý buồng phòng tại các khách sạn, resort 5 sao tại Việt Nam thì chất lượng không thua kém quốc tế. Thậm chí một số khách sạn và resort 5 sao ở Việt Nam còn được vinh danh có chất lượng, phục vụ, tiện nghi nhất châu lục và thế giới.
“Các nhân viên tại các khách sạn, resort này ngoài việc được huấn luyện, đào tạo thường xuyên thì công việc thực tế và đòi hỏi của du khách buộc họ phải tự làm mới mình, học hỏi để nâng cao trình độ, chất lượng phục vụ khách. Tuy nhiên, những khách sạn 3-4 sao thì chất lượng còn kém hơn trong khu vực”, ông Quang nói.
“Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực và trên thế giới, việc tăng cường chất lượng dịch vụ các khách sạn, resort nói chung và chất lượng buồng phòng nói riêng hướng tới sự chuyên nghiệp và phát triển tiệm cận với các tiêu chuẩn của thế giới là thực sự cần thiết. Điều này sẽ góp phần đưa du lịch Việt Nam tiến nhanh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng với mục tiêu trước mắt được ngành Du lịch đề ra là đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách du lịch nội địa ngay trong năm 2017”.