Trong khi nghi án gian lận tuổi của cầu thủ Công Phượng vẫn chưa đến hồi ngã ngũ, BLV, nhà báo Đình Khải đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, khách quan xung quanh vấn đề này.
Được người hâm mộ ưu ái gọi là “người có cổ họng bằng thép", "người vẽ lại các trận đấu bằng ngôn ngữ", ở cái tuổi ngoài 70 ông vẫn dành trọn niềm đam mê của mình cho trái bóng tròn.
Niềm đam mê ấy không chỉ thể hiện bằng những bình luận sắc xảo về mỗi trận đấu bóng đá trong nước và quốc tế trước… màn hình tivi hay với bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ trên trang facebook cá nhân, mà còn bằng những nỗi niềm trăn trở về nền bóng đá nước nhà.
Mỗi khi có vấn đề liên quan đến bóng đá, ông lại nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn, câu hỏi từ người mộ đến các nhà báo, đến những phóng viên trẻ tuổi xin ý kiến.
Và với bất cứ ai, ông cũng ghi nhận và cố gắng giải đáp, bởi với bình luận viên bóng đá kỳ cựu này, sự tương tác mang lại cho ông cái nhìn đa chiều để từ đó đi đến “tiêu điểm”.
BLV, Nhà báo Đình Khải tường thuật trực tiếp bóng đá trong phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam
PV: Là một bình luận viên thể thao kỳ cựu, ông nhận định như thế nào về gian lận trong thể thao nói chung và gian lận tuổi trong bóng đá nói riêng?
Nhà báo Đình Khải: Thể thao là một lĩnh vực hoạt động và cũng nằm trong trào lưu chung của xã hội, song nó cũng có đặc thù riêng. “Bệnh gian lận” trong thể thao cũng không phải chuyện mới lạ và cũng không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà có thể thấy ở nhiều nước trên thế giới, trong nhiều bộ môn thể thao khác nhau.
Có một số gian lận trong thể thao, điển hình như gian lận về tuổi, cân nặng hay sử dụng doping… nhằm thi đấu đạt thành tích cao hơn. Chẳng hạn như trường hợp vận động Lance Amstrong với “scandal doping thế kỷ”. Vì sao cua-rơ người Mỹ này lại có thể qua mắt được các cuộc kiểm tra doping trong từng ấy năm trời và giành tổng cộng 7 chức vô địch Tour de France liên tiếp từ năm 1999 - 2005 cho đến khi sự thật tiết lộ hồi cuối năm ngoái dẫn đến bị tước 7 danh hiệu và huy chương? Nhìn chung trong làng thể thao thế giới không thiếu những trường hợp như thế này.
Trong làng thể thao Việt Nam, vấn đề gian lận không phải là không có, đặc biệt là gian lận tuổi ở các giải bóng đá dành cho lứa tuổi trẻ. Bản thân tôi cũng đã tường thuật rất nhiều trận đấu dành cho các cháu lứa tuổi 11, 13, 15, 19, 21, 23. Việc gian lận về tuổi tác có thể thấy như 18 tuổi nhưng khai sinh lại để đá giải đấu U17, hay 14, 15 tuổi có thể khai sinh lại để đá giải U11 chẳng hạn. Đây là một vấn đề tồn tại đã lâu.
Điều quan trọng là phải chống gian lận để đảm bảo sự công bằng, trong sạch trong thi đấu thể thao. Tuy nhiên, ở đất nước ta cũng như trên thế giới, việc này chưa có hiệu quả thật sự cao, và thường làm “vuốt đuôi”. Tức là sau một giải đấu, có kết quả rồi mới bắt đầu đi tìm, đi thử doping, đi xem lại tuổi… và những chuyện như thế này rồi cũng chìm trong im lặng.
Ở Việt Nam, tình trạng gian lận tuổi cầu thủ là do “bệnh thành tích” của những người hướng dẫn, người lãnh đạo, huấn luyện viên muốn cho đội của mình có những cầu thủ, những vận động viên giỏi nên mới khai gian tuổi của các em.
Nhân câu chuyện của Công Phượng, đến giờ vẫn chưa rõ ràng, chúng ta hãy chờ kết luận của các cơ quan chức năng có liên quan, các cơ quan pháp luật. Nhưng theo tôi, dù kết quả có như thế nào, thì vấn đề xác định “tuổi thật của Công Phượng” cũng có giá trị cho nền thể thao đất nước. Đây là bài học cảnh tỉnh sâu sắc đối với những người làm thể thao, để từ nay về sau dù chưa thể chấm dứt được tình trạng gian lận nhưng có thể hạn chế đến mức tối đa sự gian lận trong thể thao, như vậy sẽ đảm bảo cho nền thể thao của chúng ta trong sạch hơn.
Nhà báo Đình Khải trong chương trình Câu chuyện Thể thao
PV: Đặt ra giả thiết nếu Công Phượng 19 tuổi như trong giấy khai sinh thật, hay Công Phượng 21 tuổi như nghi vấn đưa ra thì mọi chuyện sẽ đi đến đâu đối với cả hai phía, cả cầu thủ Công Phượng và cả giới báo chí, thưa ông?
Nhà báo Đình Khải: Thứ nhất, đặt ra giải thiết nếu Công Phượng 21 tuổi thật, thì điều đầu tiên chúng ta quan tâm là ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trong việc này? Riêng cá nhân tôi có thể khẳng định rằng em ấy không phải là người chịu trách nhiệm bởi lúc ấy em còn rất nhỏ và em cũng chưa có ý thức về việc này.
Vậy, trách nhiệm chính thuộc về “người lớn”. Có thể nhắc tới Hoàng Anh - Gia Lai. Bởi đây là đơn vị đã tuyển em vào học bóng đá từ cách đây 7 năm (2007). Có thể do yêu cầu về tuổi tác khi tuyển sinh mà đơn vị này đã có tác động tới tuổi của em chăng?
Đây là một câu lạc bộ bóng đá có khả năng tìm kiếm và đào tạo tài năng bóng đá trẻ rất bài bản, rất đáng khen. Có thể trong quá trình tuyển lựa thấy một cá nhân nào đó có bước đi bóng tốt, giữ bóng tốt… có tố chất của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nhưng lại đã quá tuổi, nên có thể đã tác động vào?
Thứ hai, có thể khi phát hiện được nhân tố tiềm năng, Hoàng Anh – Gia Lai đã đặt vấn đề với gia đình và địa phương để thay đổi tuổi của em chăng? Gia đình thì nghĩ đơn giản là muốn Công Phượng được theo học để phát triển tài năng. Nhưng muốn thay đổi được hồ sơ về tuổi của Công Phượng thì chắc chắn đây phải là việc làm của các cơ quan chức năng ở địa phương.
Giả thiết thứ hai, nếu không phải Công Phượng 21 tuổi mà đúng 19 tuổi thật, thì đây sẽ là bài học lớn đối với những người làm báo. Những người làm công tác báo chí cần phải rút kinh nghiệm trong nghiệp vụ điều tra, kiểm chứng và đưa thông tin đến với độc giả, khán giả một cách nhanh nhạy nhưng phải chính xác, để không làm ảnh hưởng đến một cá nhân hoặc một đơn vị nào.
PV: Quanh nghi vấn gian lận tuổi của Công Phượng, cộng đồng mạng lẫn các cơ quan báo chí đã có những thông tin trái chiều, thậm chí “đá nhau”. Theo ông, liệu có một cuộc “khủng hoảng truyền thông” xảy ra hay không? Và hướng giải quyết như thế nào, nếu có?
Nhà báo Đình Khải: Tôi cho rằng khi không xác định được rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, thì bất cứ cơ quan báo chí nào cũng có thể mắc sai lầm trong quá trình tác nghiệp. Chúng ta không thể thay tòa án, không thể thay công an. Trong điều tra để biểu dương hay phê phán, điều quan trọng của người làm báo là cần có một cái tâm tốt và có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Cần hết sức vô tư, khách quan, đừng để cảm tính, tư duy cá nhân dẫn dắt chúng ta bởi điều này dễ dẫn chúng ta đi đến một cái đích không chuẩn xác, thậm chí có thể sai lầm nghiêm trọng.
Tôi vẫn thường nói rằng “người làm báo mắt phải nhìn mọi ngóc ngách của cuộc sống, tai phải nghe nhiều ý kiến của mọi người trong quá trình tiếp cận với cuộc sống và phải tiếp cận với đa phương để đi đến một tiêu điểm”.
Thông qua vụ việc này, hệ thống báo chí cũng phải có quyết định xử lý thỏa đáng và đúng mức. Chúng ta hãy chờ đợi kết luận của cơ quan báo chí và của cả cơ quan pháp luật nữa. Cá nhân một người về hưu như tôi cũng không có ý kiến gì sâu hơn. (cười)
PV: Hiện nay Bộ Thông tin - Truyền thông được đánh giá là khá “mạnh tay” trong việc xử lý sai phạm báo chí, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Nhà báo Đình Khải: Tôi cho rằng với những người làm báo hiện nay, có cái khó hơn những năm trước đây. Khó hơn là bởi vì trình độ dân trí hiện nay rất cao. Điều kiện để người dân tiếp cận với thực tiễn cũng rất cao. Thêm vào đó, do khoa học kỹ thuật phát triển, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet và các trang mạng xã hội khiến cho người dân không chỉ nâng cao sự hiểu biết của mình mà còn rất dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình trước những vẫn đề của xã hội và của báo chí.
Trước đây, khi chưa có internet, tờ báo có đến tay độc giả, nếu muốn có ý kiến gì cũng không biết nói với ai và mọi việc chìm trong yên lặng, hoặc khi đọc một bài viết của một nhà báo nào đó họ cũng chỉ biết sự việc là như thế chứ không có điều kiện để kiểm chứng đúng sai và cũng chẳng biết bày tỏ với ai. Dù cho ý kiến của độc giả đúng hay sai, nhưng từ đó có thể chắt lọc được để sau đó đưa ra rằng nội dung hay quan điểm của một bài báo nào đó là sai hay đúng. Chính vì thế, những người làm báo hiện nay cần phải thường xuyên nâng cao năng lực và trình độ làm báo của mình để có thể tiếp cận và phản ánh đúng mọi sự kiện đang diễn ra trong đời sống của xã hội, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho độc giả.
Xin cảm ơn ông!