30 năm trước người phụ nữ bất hạnh bị hiếp dâm rồi mang bầu, sinh ra một cô con gái. 30 năm sau, cô con gái được sinh ra từ nỗi đau ấy cũng lặp lại kịch bản tương tự. Nỗi buồn trong "túp lều" rách nát cứ thế triền miên.
Trong “căn nhà” chật chội, ẩm thấp, Thảo Ly - bé gái 5 tháng tuổi chưa một lần biết mùi sữa mẹ ngoan ngoãn ngồi yên trong lòng bà ngoại. Bị mẹ đẻ bỏ rơi khi vừa chào đời được vài ngày, chỉ còn lại bà ngoại già yếu, lẩn thẩn, nuôi nấng chăm sóc. Đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu này còn quá nhỏ để hình dung ra vô vàn những khó khăn đang chờ nó ở phía trước.
Uống nước đường thay sữa
Tìm về Đội 6, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội không ai trong làng không biết hoàn cảnh gia đình bà Phan Thị Lợi. Câu chuyện về gia đình bà được người dân trong xóm quan tâm, bàn tán kể từ ngày cô Phan Thị Lộc, con đẻ của bà trở về nhà, vác theo cái bụng lùm lùm rồi sinh một đứa con. 27 tuổi Lộc vẫn là một đứa trẻ con, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ như người mất trí.
Căn nhà của bà Lợi như cái lều rách tuềnh toàng, ẩm thấp. Chiếc giường con xiêu vẹo, chiếc bàn vừa để uống nước, vừa đặt cả bát hương. "Túp lều" rách nát ấy là nơi sinh sống của bốn thế hệ, từ cụ thân sinh ra bà Lợi cho đến cháu bé vừa được con gái bà sinh ra.
Hai bà cháu Thảo Ly trong căn nhà không có đồ đạc gì giá trị ngoài chiếc giường con
Và cái bàn vừa làm bàn thờ vừa để đồ dùng sinh hoạt
Sinh con được 3 ngày, người mẹ ngẩn ngơ nhanh chóng cuốn gói ra khỏi nhà, bỏ mặc đứa con thơ cho mẹ già chăm sóc. Bà Lợi nay đã tuổi 60, mắt mờ, chân tay yếu nhưng ngày ngày vẫn ra chợ xin hàng xóm láng giềng mớ rau, con cá về nuôi cháu.
Nhớ lại ngày cháu vừa ra đời, bà Lợi bùi ngùi kể, không có sữa mẹ, con bé ngày đêm quấy khóc rằn rặt. Nhà nghèo chẳng có tiền, cũng không biết xin sữa ai, bà đành hòa nước đường cho cháu uống. Những hôm nhà có ít gạo, bà đem nấu cơm, lọc lấy ít nước cơm hòa thêm đường để cháu có thêm chất.
Hàng xóm xung quanh biết hoàn cảnh khó khăn, thương hai bà cháu côi cút nuôi nhau nên ai cũng hết lòng giúp đỡ. Người thương cho vài đồng, người cho tấm áo. Mỗi tháng bà được Bảo trợ xã hội trợ cấp hơn 3 trăm nghìn đồng nữa, vậy là có bao nhiêu bà dành dụm hết để mua sữa, mua gạo nuôi cháu.
Đến khi vừa tròn 2 tháng, Thảo Ly bắt đầu phải ăn bột. Hỏi bà, sao cho cháu ăn bột sớm như vậy?. Bà Lợi bộc bạch: “Uống sữa không thì tốn lắm. Tôi cho ăn bột, mỗi ngày chỉ cho uống thêm sữa 3-4 lần thôi.Như thế một tuần cũng đã hết đứt một hộp rồi. Tháng hết bốn hộp sữa, mỗi hộp cả trăm nghìn, lấy đâu ra tiền”.
Do tuổi cao sức yếu, lại bị bệnh nên không làm được việc gì, ngày ngày bà Lợi để cháu nằm chơi ở nhà rồi đi quanh làng nhặt củi khô, rơm rạ về đun bếp nấu bột cho cháu.
Có hôm ra chợ xin được con cua, con cá, hôm xin mớ rau, về bà lại lụi cụi nhóm bếp nấu cháo. Cái bếp rơm khói lùa mù mịt bao phủ kín cả căn nhà nhỏ xíu, tồi tàn.
Cô độc bến không chồng
Kể chuyện về mẹ đứa bé, bà bảo rằng từ ngày sinh ra cô Lộc đã không được bình thường. Lộc chậm lớn, không nhanh nhẹn như các bạn đồng trang lứa.
Lộc là đứa con không có bố, ngày trước bà cũng như Lộc, lên Hà Nội làm việc rồi bị lừa dẫn đến mang bầu. Lớn lên, Lộc theo mẹ ra Hà Nội buôn bán, lang bạt hết xó này đến xó khác. Một ngày trở về nhà Lộc thấy cái bụng đã to đùng, vài tháng sau thì sinh ra bé Thảo Ly.
Người dân trong làng bảo rằng Lộc bị hiếp nên mới mang thai. Sinh con được vài ngày, Lộc bỏ con lại cho bà ngoại, trốn lên Hà Nội rồi từ đó lặn mất tăm, mất tích.
Bà Lợi cũng chẳng biết con gái mình đi đâu. Hỏi thì bà bảo, Lộc bị tắc tia sữa nên phải ra Hà Nội chữa bệnh. Khi được hỏi bao giờ thì Lộc về, bà chỉ lắc đầu không biết.
Mẹ đẻ bà Lợi, người phụ nữ đã ở cái tuổi 90, lưng khòng, tai điếc, đi phải chống gậy, nhưng vẫn còn minh mẫn. Chồng mất, cụ tự xây cho mình cái nhà nhỏ để ở riêng, đến khi bà Lợi bỏ phố về làng thì cả 2 mẹ con cùng ở. Mấy tháng nay, căn nhà nhỏ chật chội có thêm thành viên mới. Thế nhưng, mỗi lần nhìn thấy hai người phụ nữ đã ở bên kia sườn dốc chật vật với đứa trẻ nhiều người vẫn rơi nước mắt.
Đã có những gia đình ở xa biết tìm đến xin bé Ly về làm con nuôi nhưng hai người phụ nữ ấy nhất định không chịu. Mẹ bà Lợi tuy tai không nghe được rành rõ nhưng hễ thấy nhà đông khách là bà gõ gậy đuổi đi cho đỡ đông. Còn bà Lộc dù người gầy gò ốm yếu, tay bế cháu còn run nhưng ai đến hỏi xin cháu về nuôi bà cũng một mực từ chối. Bà tâm sự rằng, còn sống được ngày nào thì còn phải tự tay nuôi cháu, chờ đến khi con gái đi "chữa bệnh" trở về.
Rời xa căn nhà, xa ngôi làng của Thảo Ly khi bóng chiều đã đổ dần, hình ảnh túp lều của hai người đàn bà đơn độc sớm tối ra vào khiến người ta không khỏi chạnh lòng. Chẳng biết, rồi số phận đứa bé sẽ ra sao nếu cả hai người phụ nữ ấy đến lúc phải rời sang thế giới bên kia?
Căn nhà nhỏ - nơi sinh sống của gia đình bé Thảo Ly