Các bạn hãy học những cái mình đam mê, như vậy các bạn sẽ thấy hiệu quả và có động lực. Không chỉ môn Hóa, mà môn gì cũng vậy có đam mê bạn sẽ thành công”, đó là chia sẻ Hoàng Nghĩa Tuyến - đoạt huy chương bạc Olympic Hóa học quốc tế 2017.
18 giờ ngày 15/7, đoàn thi Olympic Hóa học quốc tế 2017 đặt chân xuống sân bay, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn nhanh với em Hoàng Nghĩa Tuyến chủ nhân của tấm huy chương bạc Olympic Hóa học quốc tế 2017 (học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An) và ông Hoàng Nghĩa Lượng – bố của Tuyến.
Hoàng Nghĩa Tuyến (thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn trong đoàn thi trở về từ Thái Lan. Ảnh Ngô Chuyên.
PV: Cảm xúc của em như thế nào khi giành huy chương bạc?
Hoàng Nghĩa Tuyến: Khi đạt huy chương bạc em hơi hụt hẫng và cảm thấy buồn. Trong khi với đề thi này em nghĩ mình sẽ làm được cao hơn. Hơn nữa, em nghĩ từ trước đến nay bố mẹ đã bỏ rất nhiều công sức chăm lo cho em học hành, em đã phụ công sức của bố mẹ khi chỉ mang được huy chương bạc về.
Bên cạnh đó, đến với cuộc thi này em cũng có cơ hội được giao lưu với bạn bè quốc tế, vừa có cơ hội học hỏi kiến thức từ các nước bạn. Đặc biệt, đây là lần xuất ngoại đầu tiên chính vì vậy đây không chỉ là một cuộc thì mà là một chuyến đi trải nghiệm để em trưởng thành hơn.
PV: Dự định của em sau khi trở về từ cuộc thi này?
Hoàng Nghĩa Tuyến: Trong thời gian chờ nhập học ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên, em sẽ học thêm tiếng Anh. Nếu thầy cô tạo điều kiện em sẽ dạy miễn phí cho các bạn có nhu cầu học môn Hóa.
PV: Em có lời khuyên như thế nào đối với các bạn học môn Hóa?
Hoàng Nghĩa Tuyến: Các bạn nên học về đam mê của mình, vừa học vừa chơi, cái gì hay thì ghi vào sổ lưu ý. Nếu không biết gì có thể hỏi thầy cô, anh chị khóa trước, đặc biệt các bạn phải tự học. Môn Hóa là môn buộc người học phải tự học nhiều nhất, nếu phát huy được tính tự học thì các bạn sẽ chinh phục được môn Hóa học.
Hoàng Nghĩa Tuyến cùng bố là ông Hoàng Nghĩa Lượng tại sân bay. Ảnh Ngô Chuyên.
PV: Cảm xúc của ông như thế nào khi biết tin con đoạt huy chương tại cuộc thi danh giá này?
Ông Hoàng Nghĩa Lượng: Sau khi nhận được tin từ bên kia báo về, gia đình, hàng xóm rất vui mừng xen lẫn xúc động, tự hào vì có một đứa con mang vinh quang về cho tổ quốc, làm vinh danh cho quê hương, dòng tộc.
PV: Ông có thể chia sẻ vì sao gia đình lại định hướng cho Tuyến học Hóa thay vì học Toán – môn thế mạnh từ trước đến nay của Tuyến?
Ông Hoàng Nghĩa Lượng: Tuyến học chủ yếu theo sự định hướng của gia đình. Còn truyền tải kiến thức chủ yếu là thầy cô. Đặc biệt, 3 năm cấp ba Tuyến được thầy cô kèm cặp, dạy dỗ rất nhiệt tình chính vì vậy Tuyến mới đem lại được kết quả như ngày hôm nay.
Trước Tuyến học rất tốt môn Toán, thầy cô cấp hai định hướng cho cháu đi học Toán. Tuy nhiên, tôi cũng từng học Toán nên tôi cảm thấy môn Toán học vất vả, nặng nề tôi không muốn con mình cũng vất vả như mình trước đây. Tôi muốn con học môn gì đó mà nhẹ nhàng hơn, để con không quá căng thẳng và mệt mỏi trong quá trình học nên hai vợ chồng bàn bạc và quyết định cho con học môn Hóa học.
PV: Ông đánh giá về ý thức học của Tuyến?
Ông Hoàng Nghĩa Lượng: Tuyến là đứa con ngoan, vâng lời bố mẹ. Tuyến tự ý thức học hành, bố mẹ không cần phải thúc giục. Vợ chồng tôi chỉ động viên, vận động học như thế nào đó sao cho thoải mái.
Có những lần tôi thấy Tuyến giải quá nhiều đề thi của lớp trên, thấy vậy tôi phải chở đến thầy giáo để hỏi xem học như thế này có bị lệch hướng không? Hay hồi lớp 5, ở trường thấy Tuyến có năng lực môn Toán nên bồi dưỡng Toán. Một hôm làm đề thi 15 phút được 6 điểm bài, thầy giáo bảo hôm nay Tuyến làm bài hình chỉ được 6 điểm tôi im lặng đưa con về.
Khi về đến nhà, tôi hỏi bài kiểm tra thì Tuyến không chịu đưa vì sợ tôi mắng. Sau một hồi thuyết phục thì cu cậu cũng đưa ra, nhìn bài kiểm tra tôi phân tích cho cháu nó sai ở đâu và nói “thầy giáo con cho điểm như thế còn ưu tiên đó, còn bố bố cho con 2 điểm thôi”.
PV: Để hỗ trợ Tuyến trong việc học gia đình đã dùng phương pháp nào?
Ông Hoàng Nghĩa Lượng: Vợ chồng tôi khá sát với con, mỗi ngày con đi học về vợ tôi thường hỏi con có vui không? Có gặp những khó khăn trong bài vở không? Đồng thời cũng để động viên con, giúp con bớt căng thẳng trong học hành và gần với con hơn để biết con đang khó khăn ở đâu, cần gì để hỗ trợ.
Khi vào được trường THPT chuyên Phan Bội Châu, dường như chương trình học rất nặng thấy con học ngày học đêm tôi bảo học như thế này sai rồi. Nhưng con không nghe, phải chở con đến nhà thầy cô để nhờ thầy cô khuyên giải.
Và tôi cũng tâm sự với thầy, nếu cường độ học nhiều như thế này tôi sẵn sàng không cho con học nữa. Tôi sợ học nhiều quá “hư” con mất. Sau khi thấy bố mẹ lo lắng như vậy, Tuyến tự cân bằng thời gian học.
PV: Xin cám ơn ông và Tuyến về cuộc trao đổi này.