Chàng trai khiếm thị giàu nghị lực và câu chuyện tình cổ tích

Hồ Điệp| 18/07/2016 10:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cao Duy Đạt, chàng trai sinh năm 1991, quê huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) nổi tiếng là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống và câu chuyện tình đẹp như cổ tích.

Vượt lên những mặc cảm, tự ti của một người khiếm thị, Đạt đã nỗ lực không ngừng trở thành người có ích cho xã hội. Giờ đây, Đạt hạnh phúc hơn vì đã có người nguyện làm đôi mắt cho mình suốt cuộc đời.

Phải sống thật mạnh mẽ

Từ khi cất tiếng khóc chào đời, xung quanh Đạt chỉ toàn là bóng tối. Hứng chịu cơn sốt virus từ trong bụng mẹ, nên khi sinh ra Đạt đã bị khiếm thị bẩm sinh. Đau đớn trước bệnh tật của con, bố mẹ Đạt nhiều khi tưởng mình gục gã, họ đã đưa con đi khắp đây đó, tới tất cả những bệnh viện uy tín nhất trên cả nước để chữa trị cho con. Thế nhưng, sau 6 lần phẫu thuật, phép màu đã không xảy ra, đến lúc đó cả bố mẹ và Đạt đều phải bất lực chấp nhận số phận.

"Sau lần phẫu thuật thứ 5 không thành công, mình đã từng đứng trên tầng cao của một bệnh viện và có ý định tự vẫn. Nhưng lúc đó nghĩ đến sự cố gắng hết lòng của bố mẹ mình đã không đành lòng. Đúng thời điểm đó mình nghĩ mình phải sống thật mạnh mẽ, thật ý nghĩa để báo hiếu với bố mẹ", Đạt nhớ lại.

Mặc dù khiếm thị nhưng Đạt vẫn cố gắng đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. 8 tuổi, cậu bé Đạt đã phải rời xa gia đình sống cuộc sống tự lập tại một Trung tâm giáo dục dành cho người khuyết tật của tỉnh Phú Thọ.

Chàng trai khiếm thị giàu nghị lực và câu chuyện tình cổ tích

Đám cưới đầy hạnh phúc – kết quả của một chuyện tình đẹp.

Đạt cười kể lại: "Hồi đi học, dù khiếm thị nhưng mình vẫn phải học tất cả các môn như bao bạn bè khác. Ngộ nhất là môn thể dục, khi phải chạy vài trăm mét thường phải có một bạn dắt tay và chạy cùng mình. Môn học mà mình lo nhất đó là môn hình học. Bởi môn này thì không thể "mã hóa" bằng âm thanh mà phải dùng trí tưởng tượng. Nhiều bạn khi đi thi còn dùng "phao" trợ giúp nhưng với người khiếm thị như mình thì chỉ có cách chăm chỉ học tập mà thôi, chứ làm gì có "phao" chữ nổi cho người mù đâu".

Tốt nghiệp THPT đã là một sự nỗ lực không ngừng của chàng trai khiếm thị. Nhưng, không muốn dừng lại đó, Cao Duy Đạt đăng ký thi vào đại học. Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ của cậu thì tất cả đều lắc đầu từ chối với lời giải thích, nhà trường chưa có giáo trình riêng cho những người khiếm thị. Không chịu chấp nhận số phận, Đạt đến thẳng Viện đại học Mở và xin gặp trực tiếp thầy hiệu trưởng. Kết quả, Cao Duy Đạt được chấp nhận và trở thành chàng sinh viên của Viện đại học Mở.

Bên cạnh đó, Đạt còn thi đỗ vào chuyên ngành tác động cột sống của Bệnh viện Y học cổ truyền. Đạt chia sẻ: "Việc học bấm huyệt và châm cứu đối với một người bình thường đã khó, riêng đối với người khiếm thị còn khó hơn gấp bội phần. Để không bị thua kém những học viên khác, ngoài những giờ học trên lớp, về nhà mình thường tự tay lần mò bấm huyệt cho mình, thậm chí là dùng kim tự châm vào người mình. Nếu đúng mạch thì không sao, chệch mạch là máu sẽ chảy ra, đau buốt kinh khủng".

Yêu từ giọng nói

Không chỉ cố gắng học thật tốt mà Đạt còn thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Cũng nhờ đó mà Đạt đã có cơ hội gặp và yêu Phạm Vân Anh (SN 1995) - một nữ sinh đẹp dịu dàng của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Đạt nói, đàn ông bình thường yêu bằng mắt, còn Đạt, chàng trai khuyết tật này đã yêu Vân Anh từ giọng nói đầu tiên.

Đạt bồi hồi nhớ lại: "Thời điểm mình gặp Vân Anh lần đầu tiên là năm 2012, hôm đó mình sang Trường cao đẳng sư phạm Trung ương biểu diễn thiện nguyện, Vân Anh tỏ ra quan tâm đặc biệt tới mình. Cô ấy dắt mình lên, xuống cầu thang. Kết thúc buổi biểu diễn Vân Anh còn tận tình dắt mình ra bến xe buýt. Cảm động trước những cử chỉ gần gũi của Vân Anh nên mình đã mạnh dạn xin số điện thoại. Kể từ đó hai đứa mình thường xuyên nhắn tin, điện thoại, chát Facebook với nhau".

Khoảng 3 tháng, sau lần gặp gỡ định mệnh Đạt đã lấy hết can đảm tỏ tình với Vân Anh. Màn tỏ tình đặc biệt qua skype (chát bằng video) ấy đã khiến Vân Anh khóc.

Chấp nhận yêu một chàng trai khiếm thị, Vân Anh đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình, bạn bè và cả những người xung quanh. Khi biết con gái mình yêu người khiếm thị, mẹ Vân Anh đã khóc cạn nước mắt. Bà đã điện thoại "van xin" Đạt buông tha cho con gái mình. Không những vậy, nhiều người thân của gia đình Vân Anh còn gây áp lực cho Đạt bằng nhiều lời đe dọa. Đạt cười tâm sự: "Mọi chuyện dù sao cũng đã qua rồi. Giờ bọn em cũng được gia đình Vân Anh chấp nhận và tổ chức đám cưới".

Vân Anh tâm sự: "Mình chưa bao giờ cảm thấy bất tiện khi người yêu bị khiếm thị. Mỗi người yêu theo một cách riêng của mình. Anh Đạt có thể không chở mình đi chơi, đi làm như những người yêu sáng mắt khác thì mình sẽ làm thay anh ấy. Đã yêu nhau rồi thì ai làm chuyện đó chả được. Mình luôn tin rằng khi lấy nhau, anh ấy sẽ là một người chồng, người cha như mình mong đợi".

Và rồi, vượt qua bao sóng gió, thử thách, câu chuyện tình cổ tích của Đạt và Vân Anh đã có một cái kết thật đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng trai khiếm thị giàu nghị lực và câu chuyện tình cổ tích