Giữa một Hà Nội đầy rẫy những xô bồ, nơi mà nhiều người dường như đã quên đi việc đọc sách, thì căn nhà 5 tầng với hàng chục nghìn cuốn sách cũ được chủ nhân coi là gia tài vô giá, xứng đáng là một “kho báu” giữa lòng Hà Nội.
Hành trình 15 năm miệt mài
Anh Lê Văn Hợp, sinh năm 1984, vốn là sinh viên Đại Học Bách khoa Hà Nội, nhưng lại có thú sưu tập sách cũ, đặc biệt là yêu thích những cuốn sách được viết hay dịch xuất bản từ thời bao cấp. Theo anh Hợp, những cuốn sách này được các dịch giả, tác giả trau chuốt câu chữ, dàn trang cẩn thận và chất lượng dịch tốt hơn, mà hiện nay lại không được tái bản. Anh tự nhận mình là một người hoài cổ, thích những cái cũ kỹ, những kỷ niệm ấu thơ trong trang sách, nên rất hứng thú với những cuốn sách ố vàng, sờn mốc đó.
Đơn thuần từ sự yêu thích nhà văn, dịch giả Nguyễn Hiến Lê, hay nhà văn Áo Stefan Zweig, anh đã thuyết phục được bố mẹ dành cho một không gian riêng trong nhà để chứa sách và bắt đầu săn lùng những cuốn sách cũ, những tác phẩm chưa được tái bản, nhằm thỏa mãn sự đam mê yêu thích của mình.
Chủ kho sách cũ khổng lồ cùng "độc giả" đặc biệt - Nhà sử học Bùi Thiết
Sưu tầm sách từ những năm 90, không chỉ vào Nam ra Bắc, anh Hợp còn lặn lội đến nhiều xứ, nhiều miền hẻo lánh chỉ vì “nghe nói” người này có cuốn này, người kia có cuốn nọ. “Có lần tôi đi đến cả tháng, cũng có lần chỉ vài ngày là tìm được cuốn mình cần, vì có lẽ, sưu tầm cũng cần có cái duyên và sự may mắn”-anh chia sẻ.
Anh Hợp tâm sự rằng, khi mới bắt đầu bước vào sưu tầm sách, anh rất hoang mang vì không biết tìm sách ở đâu, hơn nữa, tìm sách mất khá nhiều thời gian, phải mất vài tháng có khi vài năm mới tìm được cuốn sách mình cần, nhưng đôi khi cũng chỉ là một dịp tình cờ mà tìm được “của hiếm”. Như lần anh tình cờ tìm được cuốn “Vượt Côn Đảo” của tác giả Phùng Quán, nhưng bất ngờ hơn là nó lại có cả chữ ký của tác giả, “Đây thực sự là một niềm vui lớn với tôi, cảm giác đó thật sự rất khó tả, và cũng chính cảm giác này đã thôi thúc tôi tiếp tục với niềm đam mê của mình”- anh Hợp nói.
Quá trình sưu tầm cũng gặp không ít khó khăn khó khăn, vì khi tìm trong các hiệu sách có hàng nghìn cuốn, chủ hàng sách không hiểu biết nhiều về các loại sách, có khi phải mất cả ngày mới tìm được cuốn mình cần. Hơn nữa, những loại sách cũ từ trước năm 1990 rất hiếm, nên việc tìm kiếm sách của anh không dừng lại ở những sạp sách gần Hà Nội, mà anh còn phải ra các tỉnh khác khá nhiều. Từ Bắc vào Nam, thậm chí, anh cũng đã đặt chân đến không ít các miền quê để tìm sách.
Những lần đi tìm sách ở xa thường mất vài ngày, có khi đến cả tháng lang thang ở khắp các nhà sách và tìm được khá nhiều cuốn sách hay. Song, cũng không ít những chuyến đi anh trở về “tay trắng”, không tìm được cuốn nào ưng ý. Nhưng không vì thế mà anh dừng lại, bởi tìm kiếm những cuốn sách in đậm dấu ấn tuổi thơ luôn là niềm đam mê không ngừng thôi thúc anh.
Suy ngẫm về công việc sưu tập sách, chàng trai sinh năm 1984 có cảm giác như mình đang gián tiếp “cứu” những cuốn sách cũ. Những cuốn sách cũ cũng có số phận của riêng nó, có thể bị cho đi, có thể “nằm chờ” trong những nhà máy nghiền để tái chế, nhưng cũng có thể đến tay những người cần để được nâng niu, trân trọng.
Con người hoài cổ và kho sách khổng lồ
Gần 15 năm tích lũy, chàng cựu sinh viên Bách khoa thu thập được hơn 15.000 cuốn sách. Có cuốn có tuổi đời trên 100 năm như “Abrégé De L'Histoire D’Annam” (tạm dịch “Lược sử vương quốc An Nam” xuất bản năm 1906), hay “Truyện Kiều” bằng tiếng Pháp cũng đã gần 90 năm. Có những tác phẩm kinh điển của thế giới như “Chiến tranh và hòa bình”, “Những người khốn khổ”, “Cuốn theo chiều gió”, “Ruồi trâu”… hay Tứ đại kỳ thư Trung Hoa như bộ “Tam quốc”, “Hồng lâu mộng”, “Tây du ký”… với nhiều phiên bản khác nhau đều có thể tìm thấy ở kho sách này.
Sau hơn 15 năm sưu tầm, anh Hợp đã có hơn 15.000 cuốn, trong đó, có nhiều cuốn sách cổ có niên đại trên trăm năm
Điều thú vị là hiện nay, anh Hợp là một trong số ít những người đang sở hữu 100 trong tổng số 120 tựa sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê. Trong đó, mỗi tựa có hai cuốn, một cuốn trước năm 1975 và một cuốn sau 1975, nghĩa là anh đang có khoảng 200 cuốn sách của cụ.
Anh Hợp cho biết, sau 15 năm sưu tầm, hơn 15.000 cuốn, trong đó, có nhiều cuốn sách cổ như cuốn Kinh Thánh Vulgata in năm 1913 tại Hồng Kông, Truyện Kiều 1925, thơ bình dân từ những năm 20 của thế kỷ trước, hay những cuốn sách, thơ vẫn còn nguyên những lời đề tặng của học trò một thời, là những cuốn sách rất quý mà không phải dễ dàng ta có thể tìm đọc.
Sách cũ có nhiều cái hay trong khi sách mới không có được. Mà cái hay ở đây thiên nhiều về cảm xúc, đơn giản chỉ là mùi giấy cũ kỹ, lâu năm, là cảm giác được chạm tay lên những bìa sách đã sờn hay chiêm ngưỡng những bìa sách được vẽ tay rất... cũ.
Anh Hợp chia sẻ, cái hay nhất ở sách cũ đó là dấu ấn cá nhân của những người chủ trên mỗi cuốn sách. Mỗi cuốn sách ở đây, bạn có thể tình cờ bắt gặp những lời đề tặng, những dòng cảm nhận rất sâu sắc. Đó là thứ “giá trị thân thương” mà sách mới ra lò ngoài thị trường không có.
“Có những độc giả đến chỗ tôi, tha thiết nhờ tìm giúp những cuốn sách mà họ đã đọc được từ rất lâu, như tìm về mảnh ký ức ấu thơ. “Tìm về sách cũ thường là người hoài cổ. Sách cũ đối với người này có thể không đáng bao nhiêu, nhưng với người khác lại là vô giá”.
Từ năm 2012, anh bắt đầu bán sách qua mạng. Dần dần tạo thành mạng liên kết trao đổi sách ở khắp mọi miền tổ quốc. Anh cho rằng, đó thực sự là thứ niềm vui khi được "kiếm sách cho mình và kiếm sách cho mọi người”.
Hiện, kho sách của anh Hợp là điểm đến lý tưởng cho những người yêu sách
Hiện, sách cổ nhất trong sưu tập của anh Hợp là những cuốn xuất bản trước năm 1900. Vì thế, giá sách rất vô cùng, những cuốn sách này thường không mặc định thời gian, có thể có giá vài chục nghìn, cũng có thể vài trăm, vài triệu và cũng có thể là… không có giá nào. Đặc biệt, trong kho tàng ấy, anh Hợp đã cất riêng mấy tủ sách vào ngăn "bất xuất”, nghĩa là chỉ để dành không bán. Anh không bán vì chẳng biết lúc nào kiếm lại được.
Hiện nay, cứ vào các ngày cuối tuần, không gian “Sách cũ Hà thành” trong căn nhà số 27, K14B, ngõ 55 Lê Thanh Nghị lại nhộn nhịp hẳn. Nhiều độc giả yêu sách đã thành thói quen đến đây tìm cho mình một cuốn sách ưng ý, để rồi khi ra về. Họ có trên tay một cuốn sách độc đáo, mới lạ, hay đôi khi là một cuốn sách nhàu nát mà khó có thể tìm thấy ở những nhà sách bên ngoài.