Trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp (GĐTP), đặc biệt là giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, phục vụ công tác đấu tranh PCTN trong tình hình mới, việc sửa đổi Luật GĐTP để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đang được đặt ra.
Khó trong việc kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế
Kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động GĐTP là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: Xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường... Trong đó, có trách nhiệm cả hai phía: Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu.
Theo lãnh đạo Vụ Thực hành quyền công tố VKSNDTC, tổng kết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động GĐTP qua việc kiểm soát điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng cho thấy: pháp luật về tố tụng quy định về công tác GĐTP liên quan đến thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp quy định chưa đầy đủ, cụ thể: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp thẻ giám định viên tư pháp; việc giải quyết đối với GĐV tư pháp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ;
Việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, bất cập, nội dung yêu cầu giám định chưa đầy đủ theo yêu cầu giải quyết vụ án, dẫn đến kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự đảm bảo. Kết quả giám định không nhất quán đối với một đơn vị thực hiện giám định nhưng hai lần kết luận khác nhau…
Tọa đàm về giám định tư pháp của UBTP Quốc hội
Ví dụ vụ án Trương Ánh Điệp phạm tội ‘Lừa đảo chiểm đoạt tài sản” ( trong vụ án Công ty TNHH kim loại Hoàng Gia và Công ty CP kinh tế Hoàng Gia về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên đến 152 tỷ đồng), theo Kết luận giám định số 470/C50, ngày 28/1/2015 của Viện KHHS xác định là chữ ký của Điệp, nhưng kết luận sau đó năm 2018 lại cho rằng không đủ cơ sở kết luận chữ ký đó của Điệp, dẫn đến phải đình chỉ điều tra vụ án, bị can.
Về thực hiện định giá tài sản: trong thực tế những trường hợp Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự không có căn cứ xác định được giá trị thiệt hại do khảo sát trên thị trường không có hàng hóa cùng chủng loại hoặc tài sản không có nguồn gốc hợp pháp, không có hóa đơn chứng từ mua bán hoặc tài sản bị chiếm đoạt không thu hồi được; hồ sơ chỉ có lời khai của người bị hại về giá trị tài sản, nhưng thời gian mua tài sản đã lâu, mức độ sử dụng không rõ ràng nên không có căn cứ để xác định được giá trị thực tế tại thời điểm bị chiếm đoạt…
Thực trạng hoạt động GĐTP và việc sử dụng kết quả giám định trong giải quyết một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế cũng là vấn đề phải quan tâm.
Trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định giúp chứng minh hành vi phạm tội, tính chất mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, đặc biệt là đối với bị can, các đối tượng có liên quan trong các vụ án phạm tội lĩnh vực ngân hàng thì yêu cầu định giá tài sản đảm bảo, các tài sản được đầu tư từ vốn vay của ngân hàng để xác định hành vi vi phạm, thiệt hại là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông Đào Thịnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế VKSNDTC, qua công tác thực hành quyển công tố tại các vụ án kinh tế cho thấy: có nhiều vụ án thời hạn giám định bị kéo dài; trong thời gian chờ kết quả giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của cá nhân liên quan trong vụ án để xử lý theo quy định; Các vụ án có thời hạn giám định bị kéo dài đều phải gia hạn thời hạn điều tra hoặc tạm đình chỉ dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật.
Qua một số vụ án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng…”, cũng thể hiện, vướng mắc chủ yếu trong các vụ án là phải đợi kết luận giám định các gói thầu để xác định việc nâng khống các hạng mục thi công gói thầu chiếm đoạt tiền của ngân hàng; làm rõ được hậu quả thiệt hại trong việc cho vay trái quy định của ngân hàng... để đánh giá, xử lý hành vi của các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Điển hình như vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng…” xảy ra tại ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Thành, Hà Tĩnh và Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng. Vụ án này phải sau 1 năm trưng cầu mới có kết luận định giá tài sản, ảnh hưởng đến việc xác định hành vi vi phạm của các bị can và đối tượng có liên quan.
Hay vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định trong hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á. Vụ án được khởi tố năm 2018, trong quá trình điều tra do công tác giám định, định giá tài sản để xác định thiệt hại chậm nên phải gia hạn thời hạn điều tra lần 2, 3 để đợi kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự, ông Cường cho biết.
Cần bổ sung một số nội dung vào dự thảo Luật
Với những bất cập, vướng mắc đó ông Đào Thịnh Cường cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP cần bổ sung thêm nội dung quan trọng khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận giám định do lỗi cố ý của các tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng. Bổ sung thêm quy định về miễn nhiệm giám định viên tư pháp đối với trường hợp không còn điều kiện phù hợp để thực hiện GĐTP; sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế quản lý Nhà nước của các cơ quan về lĩnh vực này nhằm khắc phục tình trạng danh sách giám định viên tư pháp không đúng với số lượng giám định viên thực tế đang tham gia hoạt động giám định tư pháp.
Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của Bộ, ngành chuyên quản lý lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình giám định để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các quy định của pháp luật tố tụng, đặc biệt khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Bổ sung một số quy định về nghĩa vụ của người trưng cầu giám định, cơ quan tổ chức trưng cầu giám định; bổ sung quy định về các căn cứ, cách thức, nội dung trưng cầu giám định, văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định, kết luận về giám định tư pháp để khắc phục những tồn tại hiện nay, nhất là tình trạng lạm dụng GĐTP để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Bổ sung quy định mang tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương với Bộ, ngành chủ quản; Sửa đổi, bổ sung thêm về chi phí GĐTP và chính sách đối với hoạt động GĐTP để khắc phục tình trạng ách tắc GĐTP do không có chi phí hoặc các điều kiện giám định không đảm bảo…