Triển khai các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, đây là điều kiện tiên quyết để EC xem xét gỡ “Thẻ vàng”, Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định
Thông báo kết luận nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam tiếp tục phối hợp tích cực với Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; các Bộ, Ban, Ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, một số công việc đã có sự tiến bộ so với trước như đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đạt trên 80%, công tác xử phạt vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường…
Tuy nhiên, những kết quả đạt được sau thời điểm kiểm tra lần thứ hai của Đoàn thanh tra EC tại Việt Nam đến nay, phía EC đánh giá một số công tác vẫn còn chậm, chưa có sự chuyển biến rõ nét: Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đánh dấu tàu cá theo lộ trình quy định chưa đảm bảo theo tiến độ quy định; công tác xử phạt hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với số vụ việc vi phạm; đặc biệt tiếp tục xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, có giảm nhưng chưa vững chắc và diễn biến phức tạp.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan để thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Đồng thời, triển khai các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, đây là điều kiện tiên quyết để EC xem xét gỡ “Thẻ vàng”. Trong đó, Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển ranh giới, chồng lấn, tranh chấp chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước; phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, cập bến, kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo hồ sơ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS); kiểm soát chặt chẽ lao động tham gia vào hoạt động khai thác hải sản theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc bám sát các địa bàn, tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài tại các địa phương trọng điểm, có nhiều vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước, khu vực có liên quan trong công tác điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc.
Bộ Ngoại giao tăng cường, thúc đẩy đàm phán ký kết phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước, trước mắt đề nghị phía Bạn ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản tại khu vực vùng biển đang chồng lấn, chưa được phân định giữa hai nước để làm cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân hai nước, không làm phức tạp tình hình khi bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực này; mọi tranh chấp vùng biển phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán ngoại giao giữa hai nước.
Các Bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường phối hợp điều tra, xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đặc biệt là đối với hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, tăng cường triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định liên quan về chống khai thác IUU, đảm bảo có kết quả trên thực tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu phương án hỗ trợ miễn phí và lệ phí tần số cho chủ tàu cá lắp đặt, vận hành, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá để đảm bảo công tác theo dõi, quản lý hoạt động tàu cá đồng bộ, kịp thời. Phối hợp cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị chức năng cùng với các đơn vị cung cấp thiết bị VMS nâng cao chất lượng thiết bị VMS, tăng tính ổn định, tin cậy của thiết bị VMS trong quá trình khai thác, sử dụng, nghiên cứu phương án, giải pháp ngăn chặn triệt để hành vi gỡ, tháo thiết bị VMS, ngắt kết nối VMS.