“Cha đẻ” Khúc hát tim hồng: Với âm nhạc, là tình nhân trọn kiếp

Dương Cầm| 17/06/2015 19:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có lẽ âm nhạc đã “chọn” Nguyễn Tuấn và bắt anh phải sống với nó như “tình nhân trọn kiếp”. “Nó” như liều vitamin giúp trái tim và cảm xúc lúc nào cũng hừng hực bị dồn nén trong anh được bung tỏa.

Từng nghe và “biết” đến người nhạc sĩ tài hoa, “cha đẻ” của “Khúc hát tim hồng” - ca khúc gắn bó với ca sĩ Thái Thùy Linh cùng các bé CLB Taca Emca trong nhiều chương trình thiện nguyện, tôi khá bất ngờ khi gặp anh trên sân khấu của Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục V.E.O trong vai trò nhạc sĩ đệm đàn cho “hoàng tử mắt hí” Mai Chí Công.

Không cầu kỳ, hoa mỹ, nụ cười hiền và ánh mắt đôi khi rụt rè với một số người lần đầu tiếp xúc. Dưới ánh đèn sân khấu, vẫn vẻ ngoài giản dị và hiền lành, nhưng nhìn cách anh đàn say sưa và đầy tâm huyết, tôi bất chợt reo lên khe khẽ: “Đây mới chính là con người thật của anh ấy!”.

“Cha đẻ” Khúc hát tim hồng: Với âm nhạc, là tình nhân trọn kiếp

“Cha đẻ” Khúc hát tim hồng: Với âm nhạc, là tình nhân trọn kiếp

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đệm đàn cho Mai Chí Công trong đêm Hội ngộ hành trình thiện nguyện (07/6).

Âm nhạc - tình nhân trọn kiếp

Cái tên Tuấn Gà ra đời từ “Tiếng gáy thời gian” - một sáng tác đầu tiên mang phong cách trào phúng mà anh viết như muốn tri ân loài gà vào năm 2005, thời điểm bùng nổ dịch cúm gà. Nhớ về hoàn cảnh ra đời bài hát, anh nói: “Hồi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là, nếu dịch cúm gà cứ bùng phát như thế này, thì có lẽ đến một lúc nào đó sẽ chẳng còn lấy một tiếng gà gáy. Khi ấy, mọi thứ sẽ ra sao? Và từ sự liên tưởng đó, những hình ảnh thân quen của làng quê Việt cứ “ào đến” trong đầu. Tôi chỉ sắp xếp lại chúng bằng ngôn từ thôi”.

Người ta gọi anh là Tuấn “Gà”. Với anh, cái tên đó như một sự ghi nhận, hay đúng hơn là “đón nhận” anh trở lại con đường âm nhạc sau một quãng nghỉ khá dài từ năm 1998 - 2003. Quãng thời gian đó, anh lao vào công việc kinh doanh và tưởng chừng như quên sạch mọi thứ liên quan đến âm nhạc.

Thế nhưng, có lẽ âm nhạc đã “chọn” anh và bắt anh phải sống với nó như “tình nhân trọn kiếp”. Có lẽ, với anh, âm nhạc chính là lẽ sống, là liều vitamin giúp trái tim và cảm xúc lúc nào cũng hừng hực bị dồn nén trong anh được bung tỏa. Vậy là, anh lại lao vào viết như điên như dại, tưởng chừng như quên ngày quên tháng.

Anh từng chia sẻ: “Âm nhạc như sự cứu rỗi chính mình”. Bắt đầu viết ca khúc từ năm 1994, khi đó anh mới 17 tuổi, đến nay anh đã có khoảng 100 ca khúc với nhiều đề tài và hình thái âm nhạc khác nhau. Những lúc nhiều niềm vui và cảm thấy mạch lạc trong cách nghĩ, không bị gò bó vào những vấn đề khác của cuộc sống, là lúc anh có nhu cầu viết ra điều gì đó cho mình.

“Rời Tổ” là một bài hát anh hoàn thành chỉ trong 45 phút khi lang thang dọc vỉa hè của Nhà thờ Đức Bà - Sài Gòn. Nhiều cặp ca khúc anh viết chỉ trong một đêm. Chính vì khả năng sáng tác “siêu nhanh” này, nhiều người trong giới nhạc đã tỏ thái độ hoài nghi về hàm lượng chất xám trong những đứa con tinh thần của anh. Thế nhưng, cuối cùng, họ cũng hài lòng. “Họ nhận ra sự nghiêm cẩn trong cách viết - không theo kiểu ồ ạt xúc cảm thiếu kìm nén, mà họ hiểu tôi đang vẽ hình học - cho âm thanh”, Tuấn “Gà” trầm ngâm chia sẻ.

“Cha đẻ” Khúc hát tim hồng: Với âm nhạc, là tình nhân trọn kiếp

“Cha đẻ” Khúc hát tim hồng: Với âm nhạc, là tình nhân trọn kiếp

Với Nguyễn Tuấn, âm nhạc là lẽ sống, là vitamin giúp trái tim và cảm xúc lúc nào cũng hừng hực bị dồn nén trong anh được bung tỏa.

Khúc hát tim hồng - “Ca khó” đáng nhớ

Sẽ là không quá nếu gọi Tuấn “Gà” là nhạc sĩ của tình nguyện. Anh viết nhiều ca khúc về hoạt động thiện nguyện, nhưng tác phẩm được xem là gây nhiều tiếng vang nhất là ca khúc “Khúc hát tim hồng” được viết vào mùa hè năm 2013.

Lúc đó, anh tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện trong tổ chức của ca sĩ Thái Thùy Linh. Theo gợi ý của nữ ca sĩ “Bộ đội”, bài hát với mục đích hướng việc tạo ra sợi dây gắn kết hai hoạt động thiện nguyện là “Vì trẻ em vùng cao” và “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Nhận lời Chủ nhiệm Thái, Tuấn “Gà” mới thấy để tìm ra sợi dây gắn kết giữa hai hoạt động có ý nghĩa cao đẹp và “đánh động” vào lòng trắc ẩn của cộng đồng thật không dễ chút nào.

Với “Vì trẻ em vùng cao”, bài hát cần lột tả được yếu tố vùng miền và thiên nhiên hoang dã, sự nghèo khó nhưng không làm mất đi vẻ trong sáng nơi tâm hồn những đứa trẻ nơi ấy… Còn với “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, phải làm sao để bật lên hình ảnh của những giường bệnh cô đơn đang cần đến những tín hiệu lạc quan để bệnh nhân có thể chống chọi lại bệnh tật. “Một bài hát, nếu viết đủ đầy với hai mệnh đề như vậy, rất có thể phản tác dụng bởi nó sẽ là quá dài và khó có điểm chung”, Tuấn “Gà” nhớ lại.

Khúc hát tim hồng gắn liền với ca sĩ Thái Thùy Linh và CLB Taca Emca trong những chương trình thiện nguyện.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn và Mai Chí Công ngẫu hứng thể hiện Khúc hát tim hồng.

Cuối cùng, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, anh cũng tìm ra được “sợi dây” ấy. “Khi một bên cho đi và một bên đón nhận, sẽ có một bên thứ ba làm cầu nối. Và do đó, “Khúc hát tim hồng” chính là bài hát dành cho chính những tình nguyện viên ở cả hai chương trình đó. Và theo tôi, các Tình nguyện viên đã dành quãng đời tuổi trẻ của mình để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn đó, các em hoàn toàn xứng đáng được ca ngợi”.

“Cha đẻ” Khúc hát tim hồng: Với âm nhạc, là tình nhân trọn kiếp

“Cha đẻ” Khúc hát tim hồng: Với âm nhạc, là tình nhân trọn kiếp

Những khoảnh khắc bình dị của Tuấn "Gà".

Nếu âm nhạc có thể hiểu như là tâm khảm của người nghệ sĩ, thì Nguyễn Tuấn luôn suy nghĩ và hướng đến việc xây dựng một hình ảnh trong sáng, bình an trong các tác phẩm của mình… Hiện anh đang ấp ủ một album nhạc dành cho tuổi thiếu niên kết hợp với Mai Chí Công, ca sĩ nhí với giọng ca giàu nội lực và nhạc cảm.

Anh vui vẻ chia sẻ: “Hai thầy trò tôi sẽ lao động trong nghệ thuật để có được một sản phẩm ưng ý nhất trong năm nay, một album với nền nhạc là cây đàn guitar của tôi hy vọng mang đến sự chân thực và giọng hát mộc mạc của cậu “Hoàng tử mắt hí” sẽ cho các ca khúc Thiếu nhi được cất cánh trên bầu trời âm nhạc nước nhà”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn (Nguyễn Minh Tuấn) sinh ngày 30/8 tại Hải Phòng. Anh có thời gian học đàn bên trại tị nạn Hồng Kông năm 12 tuổi. Năm 14 tuổi, Tuấn cùng 1 người bạn đồng niên khiếm thị lập ban nhạc “Cánh Gà” (Tuấn chơi Guitar Bass) cùng hai người lớn tuổi khác. Ban nhạc chủ yếu hát nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An... và các ca khúc nước ngoài như của ABBA, Boney 79…

Năm 16 tuổi, Nguyễn Tuấn về Việt Nam. Anh xếp đàn một góc và đi làm công nhân.

17 tuổi, anh viết ca khúc đầu “Xúc cảm giao mùa”. Bài hát nói về sự trưởng thành của một thiếu nữ bên căn gác vào mùa thu năm 1994.

Năm 1997, Nguyễn Tuấn tham gia ban nhạc “The Ocean” (Đại học Hàng Hải) và tham dự “Liên hoan các ban nhạc sinh viên toàn quốc”. Tuy không mang về giải thưởng nào, nhưng phần dự thi của ban nhạc cũng kịp để lại cho khán giả ấn tượng tốt về con người và thành phố Hải Phòng.

Năm 2006, Tuấn tham gia chương trình Bài Hát Việt Với tác phẩm “Em là ai?”, ca sĩ Khắc Hiếu thể hiện. Cũng chính ca khúc này, năm 2007, được thí sinh Nguyễn Phước Vũ Bảo hát trong đêm chung kết cuộc thi “Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh” và được nhận giải cao nhất cuộc thi.

Tháng 7/2007, Nguyễn Tuấn mang “Tiếng gáy thời gian” tham dự Bài hát Việt và nhận được “Giải phối khí hiệu quả” của tháng.

Năm 2008, Nguyễn Tuấn gia nhập nhóm M6, một nhóm các nhạc sĩ khá có tiếng tăm trong giới sáng tác Hà Nội. Năm 2010, M6 cho ra album đầu tiên: “Hà Nội M6 phố” nhân dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh đóng góp 2 ca khúc “Bồ câu hạt thóc”“Áo cũ dây phơi”.

Năm 2011, Tuấn tách khỏi M6, vào Sài Gòn viết nhạc phim. Anh là nhạc sĩ cho bộ phim “Lục lạc huyền bí” của đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh (với 8 ca khúc).

Về phong cách âm nhạc, Tuấn sáng tác khoảng 100 ca khúc ở 3 mảng chính: Trào phúng - Trữ tình - Xã hội. Tuấn thành công nhất ở dòng nhạc trào phúng với các góc nhìn hóm hỉnh và tà quái. Điển hình là các ca khúc như: Tiếng gáy thời gian, Chổi xuân, Ông già mù, Chiếc xe đòn, Gái bán than...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cha đẻ” Khúc hát tim hồng: Với âm nhạc, là tình nhân trọn kiếp