Trong chiến lược tái cơ cấu của mình, CII đặc biệt nhấn mạnh đến lĩnh vực xử lý nước và lĩnh vực bất động sản. CEO Lê Quốc Bình cũng tự tin nói rằng, năm 2014-2015 là cơ hội để CII làm giàu trong lĩnh vực bất động sản.
Buổi tiếp xúc giữa CII với các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư sáng ngày 12/12/2013 |
Sáng ngày 12/12/2013, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) tổ chức buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư để công bố chiến lược tái cấu trúc toàn diện. Theo đó, trong thời gian tới CII sẽ tập trung vào 5 mảng chính bao gồm cầu và đường, nước, thi công xây dựng, bất động sản và dịch vụ.
Mô hình hoạt động của CII trong thời gian tới |
CII đặc biệt nhấn mạnh đến lĩnh vực xử lý nước và bất động sản trong chiến lược của mình. Đối với xử lý nước, công ty vận hành thông qua hoạt động của Sài Gòn Water (HOSE: SII), đơn vị mà CII hợp tác cùng Manila Water và Vietnam Oman Investment. Hiện tại, Sài Gòn Water đang thực hiện 8 dự án gồm Pleiku, Tân Hiện 2, Suối Nhum, Du Long, Tân Hóa Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Lotus, Vùng 4-5-6 với tổng mức đầu tư ước tính 10,600 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực bất động sản, CII dự định trong năm 2014 sẽ thành lập CII Land với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư xây dựng và phát triển các dự án bất động sản. Tuy chưa thành lập nhưng CII Land đã có 2 danh mục đầu tư gồm BOT Cao ốc 152 Điện Biên Phủ và Diamond Riverse với tổng mức đầu tư lần lượt là 1,256 tỷ đồng và 1,960 tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho biết công ty đang xúc tiến 1 dự án có quy mô khoảng 7,000 tỷ đồng tại vị trí đẹp tại TPHCM, do dự án đang trong tiến trình xây dựng nên chưa thể tiết lộ chi tiết. Ông Bình cũng tự tin nói rằng, năm 2014 – 2015 là cơ hội để CII làm giàu trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên CII chen chân vào lĩnh vực bất động sản, trước đó CII đã thất bại khi đầu tư vào Petroland (PTL). Nhận lỗi trước cổ đông, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết đó là sai lầm do chạy theo số đông khi đầu tư vào bất động sản ở thời điểm 2007, 2008.
Ngoài ra, trong năm 2014, công ty còn thành lập CII Bridge & Road với vốn điều lệ dự kiến 2,000 tỷ đồng, chủ yếu thực hiện các dự án đầu tư cầu, đường theo hình thức BOT, BT.
Cũng theo ông Bình, CII sẽ thôi đầu tư theo dạng mua và chuyển nhượng, doanh thu tài chính sẽ giảm sút trong năm 2013. Trước đó, năm 2012, doanh thu tài chính của CII đạt 840 tỷ đồng, đóng góp rất lớn vào lợi nhuận 416 tỷ đồng (đột biến so với cùng kỳ năm 2011). Song, từ năm 2014 trở đi, ông Bình nhìn nhận vẫn có khả năng nguồn thu tài chính sẽ tăng nhờ vốn huy động thông qua việc đấu giá cổ phần.
Tiến trình thực hiện chiến lược tái cấu trúc |
Năm 2014, ước doanh thu 768 tỷ đồng, lợi nhuận 233.7 tỷ đồng
Kể từ 1/6/2013, doanh thu tại trạm thu phí Xa Lộ Hà Nội sẽ tăng lên mức 22-27 tỷ đồng/tháng (so với khoảng 8.5 tỷ đồng/tháng trước đây) nhờ bắt đầu thu phí hoàn vốn cho dự án cầu rạch chiếc. Tương tự, tại Trạm Bình Triệu sẽ bắt đầu thu phí 2 chiều từ 1/8/2013 và Trạm Cam Thịnh thì tăng cước phí 1.5 lần. Những thay đổi này sẽ giúp doanh thu thu phí 6 tháng cuối năm của CII tăng gấp đôi, đạt khoảng 40 tỷ đồng mỗi tháng.
Từ thuận lợi này, công ty ước doanh thu đạt 768 tỷ đồng, trong đó CII Holdings đóng góp 516 tỷ đồng từ hoạt động thu phí hoàn vốn cầu Rạch Chiếc và đầu tư, CII Bridge & Road 205 tỷ đồng, CII Service khoảng 16 tỷ đồng. Riêng CII Water và CII Land chưa đem lại doanh thu cho tập đoàn.
Qua đó, lợi nhuận ước đạt 233.7 tỷ đồng với nguồn đóng góp chính từ CII Bridge & Road lên đến 185 tỷ đồng trong năm 2014.
Mỹ Hà