Để có được thành công của cầu truyền hình dài kỷ lục 16 tiếng “Ngày thầy trò” vừa qua, có những chuyện hậu trường lắng đọng mà không phải ai cũng biết.
Đáp lại sự cảm mến, ngưỡng mộ của người xem với chương trình dài 16 tiếng “Ngày thầy trò” vừa qua, ông Nguyễn Trung Hùng - giám đốc truyền thông dự án, chia sẻ: “Nhờ sự kết hợp ăn ý của cả ngàn người, chúng tôi mới có thể khơi dậy những câu chuyện tình thầy trò trên cả nước như vậy”.
Ông Nguyễn Trung Hùng - giám đốc truyền thông dự án Cầu truyền hình dài kỷ lục 16 tiếng
Từ chiến dịch của ngàn người...
Ông Nguyễn Trung Hùng cho biết thêm: “Nếu chỉ dựa vào “đội quân” Mobitv thì không thể làm nổi một chiến dịch lớn thế này. Sự hỗ trợ và đồng thuận của các đồng nghiệp trên khắp cả nước tạo nên một mạng lưới thông tin bao phủ khắp nơi. Từ đó, những câu chuyện cảm động về tình thầy trò được khơi dậy và tạo nên “ngày thầy trò” như khán giả đã thấy”.
Trong chương trình cầu truyền hình dài kỷ lục 16 tiếng “Ngày thầy trò” như khán giả đã biết với 15 điểm cầu trên khắp cả nước cùng hàng trăm câu chuyện kể, phim tư liệu, phóng sự về những câu chuyện thầy trò trên khắp đất nước. Trong đó, có những câu chuyện về những người thầy đã khá nổi tiếng trên truyền thông và được chia sẻ trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, có rất nhiều câu chuyện chưa từng được phát hiện. Có những tấm gương người thầy bình dị giữa thành phố hoa lệ, cũng có những người thầy ở những nơi núi cao, bản xa mà người ta rất vất vả mới có thể tới được. Có những người thầy người cô lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp mà ít ai biết được phía sau họ là nỗi trăn trở, là cuộc sống còn nhiều gian truân…, những tấm gương mà không phải ai cũng biết ấy đã được khơi dậy qua “Ngày thầy trò” với biết bao nguồn tin từ chính trong cộng đồng người dân.
Với đội ngũ cộng tác viên rộng khắp, lên đến cả ngàn người phục vụ cho chương trình “Ngày thầy trò” được chuẩn bị trong 6 tháng trời, các cộng tác viên đã tìm kiếm sâu rộng trong đời sống người dân từ thành phố đến những vùng đất hẻo lánh để tôn vinh những người thầy có cuộc sống bình dị nhưng việc làm của các thầy cô lại cao đẹp, tỏa ngời giữa cuộc sống bộn bề, náo nhiệt.
Cả ngàn “vệ tinh” tuyệt vời của MobiTV đã cùng nhau vinh danh những “người hùng” thầm lặng của cuộc sống trong sự nghiệp giáo dục chân thực, sống động như thế.
Chương trình dài kỷ lục lần đầu tiên vinh danh nhà giáo do MobiTV phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam và truyền hình VTC thực hiện, Mobifone là nhà tài trợ kim cương với công nghệ 3G, 4G hiện đại bậc nhất giúp 15 điểm cầu kết nối với chất lượng tốt nhất, đảm bảo nhất.
... Đến sức mạnh từ những điều bình dị
Những phóng viên, kỹ thuật viên thực hiện các phóng sự tại hiện trường của chương trình chia sẻ, có đi đến tận những nơi này, lắng nghe câu chuyện của các thầy cô, họ mới thấy ở đâu cũng có những người thầy, người cô thật tuyệt vời, vô cùng nhân ái, bao dung và đối với học trò như người cha, người mẹ. Giống như những người thầy ở vùng lũ Hương Khê, Hà Tĩnh khắc nghiệt, vất vả gian nan là thế, nhưng các thầy cô sẵn sàng làm tất cả những gì có thể vì học trò, mà khi trò chuyện, các thầy cô đều cho rằng đó là trách nhiệm, là công việc cần phải làm chứ không nghĩ quá nhiều đến điều gì to lớn.
Từ câu chuyện miền núi xa xôi hay vùng lũ oằn mình trong gian khó hay cả khi tổ chức show ca nhạc nói về tình thầy trò, “Ngày thầy trò” vẫn là mang tới những câu chuyện thật tình, thật người và thật đời gửi các thầy trò nghệ sĩ. Những câu chuyện kể của các nghệ sĩ cũng rất dung dị, rất đời, đôi khi chỉ là cái ôm thật chặt, một lời nói trầm lại khi nhớ về ngày gian khó có thầy không chỉ quan tâm đến cái học mà còn cả cái ăn đối với trò, hay nốt lặng khi cô học trò nghệ sĩ nghèo bất ngờ vì mình “tay trắng” mà vẫn được cô giáo nhận dạy học…
Những bình dị ấy thực sự đã kết nối cảm xúc đến với những người làm công tác giáo dục khắp mọi miền, khiến người xem xúc động. “Bếp than hồng” của cảm xúc ấy cứ ấm mãi cho đến tận lúc này, khi chương trình đã qua gần chục ngày, vẫn được các phương tiện truyền thông không ngừng nhắc tới.
Đại diện MobiTV cho biết, ban đầu ekip thực hiện chương trình cũng hết sức lo lắng để việc “kết nối cảm xúc” trực tiếp được hoàn hảo, khi các điểm cầu quá xa và nhiều nơi vô cùng hiểm trở, lại trải dài từ đầu đất nước là Lũng Cú, Hà Giang đến cuối đất nước là Mũi Cà Mau. Ông Nguyễn Công Dự, Phó Tổng giám đốc MobiTV cho hay, để có thể lên sóng được một chương trình truyền hình là một chuỗi quy trình chặt chẽ. Hiện tại ở MobiTV tất cả hệ thống từ quay phim, đến chuỗi sản xuất từ tiền kỳ, hậu kỳ, phát sóng đều dựa trên công nghệ số. Các khâu từ quay phim, dựng hình ảnh, kiểm duyệt từ Thư ký biên tập đến đạo diễn đều được thực hiện online. Nhờ công nghệ hiện đại đó cùng công nghệ 3G, 4G hiện đại bậc nhất của Mobifone đã hỗ trợ việc truyền dẫn dữ liệu trực tiếp với chất lượng cao nhất, đảm bảo được mạch cảm xúc tuyệt vời mà chương trình mang lại.