Pháp đình

Cao Bằng: Hiệu quả từ những phiên tòa xét xử trực tuyến

PV 02/07/2023 06:30

Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng đã tổ chức một số phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến. Trong đó, TAND TP. Cao Bằng là đơn vị đi đầu của tỉnh.

dsc-426.jpg
Hội trường xét xử phiên tòa trực tuyến tại TAND TP. Cao Bằng.

Sau thời gian ứng dụng xét xử trực tuyến, kết quả cho thấy, các phiên tòa đều diễn ra thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (CCTP) trong giai đoạn hiện nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND TP Cao Bằng thụ lý và giải quyết được 176/289 vụ việc; 6 tháng đầu năm 2023, thụ lý và giải quyết được 150/277 vụ việc.

Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội và văn bản hướng dẫn của TANDTC về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND TP. Cao Bằng đã đưa ra xét xử 10 vụ án hình sự sơ thẩm giữa hai điểm cầu TAND thành phố và Nhà tạm giữ Công an TP. Cao Bằng.

Trong đó, ngày 30/6, TAND TP. Cao Bằng đã tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến liên tỉnh vụ án trộm cắp tài sản đối với bị cáo Lục Văn Tân, sinh năm 1999, trú tại xóm Nặm Uốm, xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm.

Phiên tòa được kết nối trực tuyến với điểm cầu Nhà tạm giữ Công an TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (bị can này đang bị tạm giữ tại đây do có liên quan đến một vụ án khác).

Cáo trạng của Viện kiểm sát TP. Cao Bằng cho biết: Vào khoảng 9h, ngày 29/01/2023 tại cửa hàng thu mua phế liệu của Vũ Thị Thơm thuộc tổ 11, phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng, Lục Văn Tân có hành vi lấy trộm của Bế Thị Thơm 1 xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave, biển kiểm soát 11F7-2169 và 50kg sắt vụn có tổng giá trị tài sản 7.486.633 đồng.

Đến khoảng 3h ngày 09/02/2023, tại công trình xây dựng nhà ở của Hoàng Văn Thân thuộc tổ 12, phường Hợp Giang do Bùi Văn Toàn và Phạm Nhật Trường đang thi công, Lục Văn Tân đã lấy trộm của Bùi Văn Toàn: 1 máy khoan nhãn hiệu JVITECH, 2 máy đục nhãn hiệu DONGCHENG, 1 máy cắt nhãn hiệu Makita và và 85,76m dây điện; lấy trộm của Phạm Nhật Trường: 1 máy khoan bê tông nhãn hiệu BOSCH, 1 máy cắt nhãn hiệu DONGCHENG, 1 cuộn lưới kim loại dài 15m, 1 máy đo thăng bằng laze và 15m dây điện. Tổng giá trị tài sản Tân đã trộm cắp là: 12.005.303 đồng.

Tiếp đó vào khoảng 3h30 phút ngày 10/02/2023, tại lán xây dựng của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thanh Kha thuộc tổ 02, phường Hoà Chung do Hoàng Văn Hoà đang quản lý, Lục Văn Tân có hành vi trộm cắp: 1 máy mô tơ điện động cơ ba pha; 1 máy mô tơ điện động cơ hai pha; 1 máy đầm bê tông; 1 cuộn dây điện và 1 cuộn tôn có tổng giá trị tài sản là: 5.908.327 đồng. Tổng giá trị tài sản Lục Văn Tân đã trộm cắp là 25.400.263 đồng.

Quá trình điều tra, bị can Lục Văn Tân đã nhận thức được hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Do vậy, bị can được hưởng 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, bị can 3 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng và có 1 tiền án chưa được xóa án tích nên phải chịu 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 2 lần trở lên" và “Tái phạm” theo quy định tại điểm g, h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Căn cứ hành vi, mức độ phạm tội, xem xét tình tiết giảm nhẹ, tặng nặng và áp dụng khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử TAND TP. Cao Bằng đã tuyên phạt bị cáo Lục Văn Tân 30 tháng tù giam.

img_20230630_110109.jpg
Bà Lương Thị Hợp, Chánh án TAND TP. Cao Bằng, Chủ tọa phiên tòa xét xử trực tuyến liên tỉnh.

Bà Lương Thị Hợp, Chánh án TAND TP. Cao Bằng chia sẻ: “Việc tổ chức phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33 của Quốc hội và quan điểm chỉ đạo của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Với hình thức xét xử mới này tạo cơ sở pháp lý để Tòa án các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử, bởi thực tế mỗi năm, TAND hai cấp trong tỉnh giải quyết hàng nghìn vụ án các loại

Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án.

Cụ thể, việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, bị cáo được bố trí có mặt tại phiên tòa từ điểm cầu trại tạm giam, nhà tạm giữ, tạo thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp vì không phải áp giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến Tòa án, hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra trên đường di chuyển.

Bên cạnh đó, các phiên tòa xét xử trực tuyến không phải trích xuất bị cáo từ nơi giam giữ đến địa điểm tham gia phiên tòa giúp tiết kiệm được chi phí, dẫn giải, bảo vệ phiên tòa, bảo đảm thời gian xét xử.

_cs_groups_all_content_documents_tinbai_yw5k_mzaz_-edisp_-export_tand303176-1_314837(1).jpg
Xét xử theo hình thức trực tuyến góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án.

Đặc biệt, phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn giúp cho Tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa vì lý do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng vì nhiều lý do khách quan.

Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến còn bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bảo đảm việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ việc, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án.

Đây là phiên tòa được tổ chức theo hình thức trực tuyến liên tỉnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Phiên tòa diễn ra trực tuyến tại điểm cầu trung tâm là TAND TP. Cao Bằng với sự tham gia của HĐXX, đại diện VKSND, thư ký phiên tòa, những người tham gia tố tụng khác; bị cáo ra tòa tại nơi giam giữ là điểm cầu thành phần tại Trạm tạm giam (Công an TP. Bắc Kạn).

Điểm cầu trung tâm TAND TP. Cao Bằng được trang bị hệ thống điều khiển, hệ thống âm thanh, 3 màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh điểm cầu thành phần để HĐXX và những người tham gia phiên tòa theo dõi.

Tại điểm cầu Trại tạm giam (Công an tỉnh Bắc Kạn) một căn phòng đặc biệt được chỉnh trang, lắp đặt các hệ thống nghe, nhìn, thu, phát tín hiệu đến điểm cầu trung tâm. Trong căn phòng này, ngoài bị cáo còn có lực lượng liên quan làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa cũng như bảo đảm phiên tòa trực tuyến không bị gián đoạn. Hình ảnh âm thanh, lời nói của các bên rõ ràng, thông suốt và quá trình xét xử diễn ra công khai, thông tin rõ ràng.

Như vậy, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm của TAND các cấp, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Hiệu quả từ những phiên tòa xét xử trực tuyến