Ô tô là tài sản có giá trị lớn đối với nhiều người. Khi nhu cầu mua hoặc thuê xe ô tô của người dân ngày càng nhiều thì các loại tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt, trộm cắp liên quan đến tài sản này cũng gia tăng.
Muôn kiểu lừa đảo, chiếm đoạt ô tô
Những năm gần đây, Nghệ An luôn nằm trong top các địa phương mua xe ô tô nhiều nhất cả nước. Khi số phương tiện tăng, các loại tội phạm liên quan đến lừa đảo, trộm cắp, phá hoại tài sản liên quan đến ô tô cũng gia tăng. Chiêu thức lợi dụng việc cho thuê xe tự lái rồi làm giấy tờ giả để bán, cầm cố là một trong số đó.
Với chiêu thức này, các đối tượng xấu đã lợi dụng lỗ hổng cho thuê xe tự lái với thủ tục đơn giản, sự chủ quan của chủ xe để giả danh khách hàng có nhu cầu thuê xe. Sau đó, các đối tượng làm giả giấy tờ rồi đem ô tô đi bán hoặc cầm cố. Vụ án mà công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã triệt phá là một trong số đó.
Cầm đầu đường dây này là Đậu Đức Bằng (SN 1991, trú xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) và Nguyễn Ngọc Tĩnh (SN 1991, trú tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai).
Để tạo niềm tin cho bị hại, các đối tượng đóng vai những doanh nhân trẻ thành đạt, chuyên làm các dự án lớn. Sau đó, các đối tượng lên mạng tìm kiếm những công ty, cửa hàng kinh doanh chuyên cho thuê ô tô tự lái ở nhiều tỉnh, thành để thuê xe.
Sau khi thuê được, bọn chúng đưa về Nghệ An rồi làm giả các loại giấy tờ như giấy mua bán xe, chuyển nhượng xe, giấy ủy quyền mua bán xe. Sau khi “phù phép” giấy tờ giả, các đối tượng bán cho Hồ Trọng Tâm (SN 1989, trú xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu) để lấy tiền chia nhau. Tâm dù biết xác xe mà Bằng và Tĩnh bán là do lừa đảo mà có nhưng vẫn đồng ý mua với giá từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/xe.
Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Công an huyện Quỳnh Lưu đồng loạt khám xét 27 địa điểm tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... bắt giữ các đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đồng thời thu giữ tang vật là 22 xe ô tô.
Hay mới đây, vào cuối tháng 7/2024, dư luận xôn xao trước sự việc Trần Thị H. - nhân viên kinh doanh của một cửa hàng ô tô tại thành phố Vinh đã thực hiện 13 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 13 xe ô tô trị giá hơn 10 tỷ đồng của người dân trên địa bàn Nghệ An.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trong thời gian từ tháng 4/2023- 7/2024, do đầu tư tiền ảo trên mạng bị thua lỗ, để có tiền trả nợ, Trần Thị H. đã liên hệ với những khách hàng mua xe ô tô trước đây mà mình tư vấn để thông tin là hãng xe đang có chương trình khuyến mãi hoàn thuế và tặng các gói phụ kiện tương đương với 10% giá trị xe. Điều kiện mà H. đưa ra để lừa các khách hàng là buộc chủ xe phải đưa ô tô và giấy tờ xe cho mình. Sau khi lấy được xe của khách hàng, H. đem đi cầm cố.
Ngoài ra, H. còn tìm đến các cửa hàng cho thuê xe tự lái trên địa bàn thành phố Vinh, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai thuê xe ô tô sau đó đưa đi cầm cố lấy tiền trả nợ, tiêu xài cá nhân và đầu tư tiền ảo.
Ngoài các hành vi lừa đảo, kẻ gian còn lợi dụng sơ hở của người dân đậu xe ô tô ở khu vực vắng, không có người trông coi, khuất tầm nhìn để trộm cắp phụ kiện của xe như tháo lốp, bẻ gương hoặc đập bể kính xe để trộm cắp tài sản có giá trị trong xe như điện thoại, túi xách, tiền mặt…
Nâng cao cảnh giác
Qua vụ việc 13 chủ xe bị nữ nhân viên kinh doanh của một hãng ô tô lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân không nên nhẹ dạ cả tin với những thông tin khuyến mãi mà chưa được kiểm chứng. Khi phát hiện những trường hợp cầm cố tài sản không đúng quy định thì kịp thời trình báo với cơ quan công an để được xử lý.
Đối với các doanh nghiệp, cá nhân cho thuê xe tự lái cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm. Khi cho khách thuê xe cần xác minh kỹ thông tin của người thuê xe, thực hiện đầy đủ các thủ tục, biện pháp ràng buộc pháp lý đối với khách thuê ô tô. Thường xuyên theo dõi lịch trình đi lại của xe, nếu có những bất thường thì phải trực tiếp dùng các biện pháp ngăn chặn các đối tượng chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, nguyên nhân dẫn đến việc mất trộm liên quan đến xe ô tô là do chủ sở hữu lơ là, mất cảnh giác. Nhiều người có tâm lý chủ quan để xe trước cửa nhà, nơi công cộng không có người trông giữ; xe ô tô không có hệ thống báo động, thiếu thiết bị an toàn...
Để chủ động phòng ngừa tội phạm trộm liên quan đến xe ô tô, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, có biện pháp bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình, không để các đối tượng xấu có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
Khi rời khỏi phương tiện, người dân không nên để lại tài sản có giá trị trên xe; không đậu, đỗ xe nơi khuất tầm nhìn, vắng người qua lại. Trường hợp nhà riêng không có chỗ để xe mà đậu đỗ xe trước nhà thì phải lắp camera quan sát, thiết bị báo động…