Xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ vì thế cũng tăng lên. Những cái nhỏ nhất như “móng chân, móng tay” cũng được chị em hết sức quan tâm. Nhờ đó mà các tiệm làm “nail” thi nhau mọc lên. Hiện nay, ở Hà Nội xuất hiện một loại hình dịch vụ mới - tiệm “nail” dạo, họ dường như có mặt ở hầu hết các nẻo đường…
Tại Việt Nam, dường như chưa có một quy chuẩn nào về chất lượng, an toàn vệ sinh cho nghề làm móng. Việc xuất hiện nhiều chị em tay xách giỏ, “hành nghề” cho khách ngay tại những vỉa hè, quán nước… là điều không khó nhận thấy. Dường như trên những con phố lớn nhỏ hay ngõ sâu, cũng đều có bóng dáng các chị em làm “nail” dạo.
Chị Ngô Thu Lý, quê ở Hà Nam cho biết: “Lên Hà Nội được vài năm rồi, nhưng làm những công việc không ổn định như phục vụ quán cơm, bán báo dạo… Đầu năm nay, em thấy có nhiều người làm móng dạo, em cũng thử, và thấy thu nhập cũng khá hơn.” Trước khi làm móng, chị Lý dùng chiếc kéo nhỏ cắt lớp da xung quanh móng, rồi cắt quả chanh ra làm đôi, bôi lên các đầu ngón chân(?).
Theo chị Lý thì dùng chanh sát vào ngón chân để “sát trùng”. Chị giải thích cho khách: “Ngày trước em đi học, được biết chanh là axit mạnh. Bôi chanh lên, em đố con vi trùng nào sống sót”. Vừa nói vừa cười, chị Lý dùng quả chanh “sát trùng” ngón chân cho khách, không quên “sát trùng” luôn dụng cụ hành nghề của mình.
“Chỉ cần hơn 1 tháng học nghề cùng số “vốn” khoảng 1 triệu là đã có thể làm móng được rồi” – chị Lý cho biết. Khi nhìn chị Lý “hành nghề”, chả ai dám nghĩ, chị Lý mới học nghề này cách đây 1 tháng. Trong khoảng thời gian 20 phút, với một bát nước lã, 1 vài quả chanh, chiếc kìm bấm, vài lọ sơn móng tay, bút lông… chị Lý đã làm hài lòng chị Hoa, một chủ tiệm giải khát ở Trung Tự.
Theo chị Hoa thì việc không có thời gian để đến các cửa hàng làm “nail” khiến chị phải “trông cậy” vào các “bác” làm “nail” dạo: “Lúc nào tôi cũng cắm cúi với cửa hàng, chả có thời gian mà đến các tiệm làm “nail” nữa. Bây giờ tranh thủ được lúc nào là làm ngay tại nhà lúc đấy thôi. Làm “nail” dạo, tôi không phải chờ đợi như ở ngoài tiệm nữa, mà chất lượng cũng tạm ổn, mất 2 tuần sau mới phải sửa lại.”
Hầu hết những người làm móng dạo đều là những lao động ngoại tỉnh. Chị Thắm, người Hưng Yên chia sẻ: “Trong khu trọ của em, cũng có nhiều chị em làm móng dạo lắm. Do không có tiền mở cửa hàng, nên chúng em mới phải làm móng dạo thế này.” Cách thức làm móng của chị Thắm cũng không khác chị Lý là mấy. Cũng với những quả chanh, những chiếc kìm bấm… chị Thắm nhanh nhẹn phục vụ khách hàng.
Khi được một khách gọi vào làm móng, chị Thắm lấy chiếc dũa bằng kim loại khá nhọn vệ sinh khóe chân cho khách. Do hơi mạnh tay, nên khóe chân người khách bị chảy máu, chị Thắm lấy chiếc khăn để ở trên đùi lau qua, rồi lại cặm cụi làm tiếp. Chiếc khăn của chị Thắm lem nhem những vết máu, bên cạnh đó là những màu sơn xanh, đỏ, các mẩu da, mẩu móng nhỏ li ti.
Đó là những “vết tích” của những vị khách trước. Không biết chị Thắm dùng dụng cụ và khăn này cho bao nhiêu vị khách. Ngoài ra, chị còn tranh thủ dùng khăn để lau một số thứ nữa như lau chậu, lau giỏ xách… và những thứ gì có thể lau được.
Do không có cửa hàng, lại phục vụ tự phát nên giá cả của loại hình dịch vụ mới này cũng tạm coi là hợp lý. Sửa móng và sơn móng giá dao động trong khoảng từ 10 - 15 nghìn đồng, vẽ móng khoảng 20 nghìn đồng. Chị Thắm còn cho biết: “Có nhiều khách quen, thì trung bình một ngày, em cũng có khoảng 9-10 người khách. Có những dịp ngày lễ tết, em làm không hết việc.”
Còn khi hỏi chị Lý về vấn đề vệ sinh, có dễ bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm không, chị thản nhiên nói: “Nhiểm thế nào được. Mỗi lần làm cho khách em đều rất cẩn thận, không để khách chảy máu. Với lại em cũng dùng những biện pháp “sát trùng” rồi, nên yên tâm hơn. Nếu mùa nào chanh đắt, không dùng chanh “sát trùng”, em lấy cồn làm là xong.”
Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức… những thợ làm móng phải được đào tạo ở các trường chuyên “nail”. Mỗi khóa học bao gồm 1600 giờ học và được chia thành 3 lớp: sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Học viên muốn trở thành thầy dạy nail thì phải học thêm 600 giờ nữa.
Ông Lê Nhân Tuấn, giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Sở Y Tế Hà Nội cho biết người làm móng chân, móng tay, lấy ráy tai, cạo râu có thể bị lây nhiễm các bệnh qua đường máu hoặc nhiễm trùng nếu không dùng các loại dụng cụ đã được vô trùng. Đặc biệt lưu ý là có thể bị nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B và các bệnh nhiễm trùng khác.
Có thể nói, việc làm móng chân, móng tay dạo sẽ thực sự tiện lợi và kinh tế với một số tầng lớp khách hàng. Nhưng vấn đề về an toàn vệ sinh, cũng để cho chúng ta có một cái nhìn “cảnh giác” hơn với loại hình dịch vụ này.
Bằng Linh