Biển Đồng Châu (Thái Bình) vốn mang nhiều phù sa bởi đây là nơi con sông hồng chảy về biển, và về đêm, khi thuỷ triều xuống cũng là lúc người nông dân bắt đầu lục đục thức dậy. Họ đi về hướng biển, nới cánh đồng ngao ngập dưới nước loang loáng rồi dần hiện lên theo con nước rút dần, ngày làm việc trên những thửa ruộng ở biển đã bắt đầu như thế.
Bài hát “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An viết về Thái Bình có thể nói là một trong những bài hát hay nhất về tỉnh mà tôi đã được nghe, lời bài hát thấm đượm hương vị quê lúa như làm lúa, làm đay, dệt cói, đan mây… và hiện lên trong đó cả về những vùng quê với Diêm Điền, bãi biển Đồng Châu…
Tôi đến biển Đồng Châu vào một chiều nắng gắt, nước biển mênh mông mang nặng phù sa đỏ, gió biển cũng nhẹ nhàng cùng nhịp sóng. Nhưng thu hút tôi chính là hình ảnh những cái lều cao lêu đêu như người đi cà kheo trải dài tít tắp. Đó là những chòi canh ngao của những người nông dân nơi đây: “ Đêm đến, thủy triều xuống là lúc tôi bắt đầu từ nhà ra chòi canh, cũng chỉ là đề phòng kẻ trộm thôi” - một người nông dân cho biết. Nhìn mặt nước biển mênh mông như vậy, thủy triều rút xuống ở đây sẽ là những thửa ruộng ư?
Đồng Châu có thể không phải là bãi biển đẹp để khai thác du lịch nhưng lại là nơi chứa nhiều phù sa và rất hợp để canh tác, nuôi trồng ngao. Sáng sớm, một vùng biển hoang sơ, rộng lớn, thật sự ấn tượng với những thửa ruộng trải dài trên “cánh đồng” ngao. Không kiêu sa lộng lẫy như nàng công chúa, biển Đồng Châu mang vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc như người con gái quê.
Sáng sớm, con nước theo thủy triều đã rút cạn, đâu đó loang loáng những vũng nước còn đọng lại. Những ruộng nuôi ngao được quây bằng lưới buộc xung quanh các cọc tre hiện lên cùng với hình ảnh những người nông dân ở trên cánh đồng ngao từ lúc nào. Nhiều người đang lúi cúi thu nhặt lại rác thải trên thửa ruộng nhà mình mà sóng cuốn từ đâu về.
Nghề nuôi ngao quan trọng nhất chính là việc sử lý đất hàng tháng và hàng vụ. “ Những ruộng ngao giống phải chọn đặt ở những nơi biển yên, sóng ít để tránh thất thoát vì vậy thường là gần bờ. Ngao giống được người nông dân mua lại ở những trại ngao, ngao giống sẽ có số lượng từ 3 vạn đến 10 vạn con/1kg, nuôi đến khi nào ngao lớn hơn và đạt khối lượng từ 500 con đến 2.000 con/1kg thì sẽ được chuyển sang ruộng ngao thịt” – Chị Nguyễn Thị Vân Anh, người nuôi ngao nhiều năm cho biết.
Ngao sống được hoàn toàn vào môi trường tự nhiên, nên thời tiết tại biển quyết định rất lớn đến việc được mùa hay mất mùa của người nông dân. Anh Nguyễn Văn Quang, người có kinh nghiệm nuôi ngao trên 20 năm chia sẻ: “Sóng, gió vừa phải, lượng mưa cũng vừa phải, và đất được sử lý hàng tháng sẽ giúp ngao nhanh lớn hơn. Thời gian nuôi ngao giống mất gần 1 năm thì mới chuyển sang ruộng ngao thịt. Sau đó, cũng phải mất gần 1 năm nữa thì ngao thịt sẽ đạt khối lượng từ 100 con đến 110 con/1kg thì bắt đầu bán ra thị trường”.
Hình ảnh nuôi ngao ở biển Đồng Châu từ lâu đã rất thân quen, gắn liền với cuộc sống của người dân sinh sống ven biển thuộc xã Đồng Minh, huyện Tiền Hải. Ngao ở đây được thương lái chuyển đi khắp nơi trên cả nước, sang cả thị trường nước ngoài. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ việc canh tác, nuôi trồng ngao. Nhưng ngao sống hoàn toàn dựa vào môi trường tự nhiên nên việc bảo vệ môi trường biển ở đây là cực kỳ quan trọng.
Đêm đến, khi thủy triều xuống cũng là lúc những người nông dân bắt đầu lục đục thức dậy. Họ đi về hướng biển, ra chòi của nhà mình để canh ngao. Cánh đồng ngao ngập dưới nước loang loáng rồi dần hiện lên theo con nước rút dần, ngày làm việc trên những thửa ruộng ở biển Đồng Châu đã bắt đầu như thế. Sáng sớm, một vùng biển hoang sơ, rộng lớn, thật sự ấn tượng với những thửa ruộng trải dài trên “cánh đồng” ngao.