Trong gần 8 năm qua có sự gia tăng lớn về phản ứng có hại của thuốc (ADR), nhiều báo cáo nghiêm trọng liên quan đến các chế phẩm của hoạt chất chymotrypsin (alpha - chymotrypsin) tại Việt Nam.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ về việc Cung cấp thông tin liên quan đến phản ứng bất lợi của thuốc (ADR) của các thuốc chứa chymotrypsin (alpha-chymotrypsin).
Theo Cục Quản lý Dược, trong quá trình tập hợp và phân tích dữ liệu về báo cáo ADR từ các cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc nhận thấy có sự gia tăng rất lớn các báo cáo về phản ứng có hại, trong đó có nhiều báo cáo nghiêm trọng liên quan đến các chế phẩm khác nhau của hoạt chất chymotrypsin (alpha-chymotrypsin) tại Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo về phản ứng phản vệ/sốc phản vệ của các thuốc chứa hoạt chất chymotrypsin (alpha-chymotrypsin) trong tổng số các báo cáo có liên quan đến phản ứng của thuốc này tăng nhanh trong những năm gần đây: Nếu năm 2010 tỷ lệ này là 27,3 % thì năm 2017 tỷ lệ này tăng lên 35,4% và chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018 là 61,5 %.
Để đảm bảo sử dụng an toàn các thuốc chứa chymotrypsin dùng đường, Cục Quản lý Dược đề nghị các bệnh viện, viện có giường bệnh thuộc Bộ Y tế, các sở y tế thông báo đến các có sở khám chữa bệnh trên địa bàn cần tuân thủ chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, liều dùng của thuốc, chú ý tương tác thuốc khi kê đơn thuốc có chứa chymotrypsin (alpha - chymotrypsin);
Chỉ sử dụng thuốc khi đã khám sàng lọc phân loại bệnh nhân, tránh sử dụng thuốc tiêm có chứa chymotrypsin cho những đối tượng bệnh nhân có nguy cơ cao xảy ra ADR phản vệ/sốc phản vệ; tăng cường tuân thủ quy trình tiêm thuốc có chứa chymotrypsi.
Hiện nay trên thị trường thuốc có nhiều loại thuốc có chứa chymotrypsin (alpha-chymotrypsin); đây là thuốc có tác dụng kháng viêm, chống phù nề, thường sử dụng trong các trường hợp cơ thể bị viêm nhiễm, phù nề... và được sử dụng khá phổ biến cả dạng uống và dạng tiêm.