Quyết tâm xây dựng "cầu Putin" nối bán đảo Crimea với đất mẹ Nga nhằm hiện thực hóa tuyên bố “Crimea đã và sẽ mãi mãi là một phần không thể tách rời của Nga” đang đẩy căng thẳng Moscow - Kiev leo thang nghiêm trọng.
Ngày 18/3/2014, trong bài phát biểu trước Quốc hội nhân lễ ký kết Hiệp ước sáp nhập, thống nhất bán đảo Crimea với Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: “Crimea đã và sẽ mãi mãi là một phần không thể tách rời của Nga”. Trước đó hai ngày, một cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra tại Crimea. 96% số người sống trên bán đảo này ủng hộ đưa Crimea về với nước Nga - một kết quả mà Ukraine, Mỹ và phương Tây cáo buộc là “gian lận”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh hợp nhất Crimea thành Vùng liên bang
Chuyện muôn năm cũ
Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine, thời điểm ấy, Tổng thống Putin đã cảm nhận được mối nguy hiểm rình rập “sau cơn hưng phấn Crimea”. Và quả thật, điều đó đã xảy ra. Moscow nhanh chóng nhận “án phạt” từ Liên minh châu Âu (EU) và Washington - với lý do, chính Điện Kremlin đã “tiếp tay” cho phe ly khai chống chính quyền Kiev và làm gia tăng tình trạng xung đột bạo lực tại miền đông Ukraine.
Những tưởng quan hệ giữa hai ông lớn - hai cựu thù Chiến tranh Lạnh - được cải thiện nhằm thực hiện mục tiêu to lớn “chấm dứt xung đột ở Ukraine” - với bằng chứng cụ thể là bản thỏa thuận ngừng bắn ký kết tại Minsk (Belarus) vào tháng 2/2015, dường như giới quan sát mới “ngớ người” vì phán đoán sai lầm của mình. Thậm chí, các chuyên gia phân tích còn nhận định, Moscow đã bị Washington “qua mặt” khi chấp nhận nhượng bộ nhằm thúc đẩy tiến hình hòa bình cho Ukraine.
Crimea vốn được coi là thiên đường du lịch ở Biển Đen. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, ngành du lịch của bán đảo này đã bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi quyết định sáp nhập Nga. Phụ thuộc vào nguồn cung điện từ Ukraine cũng khiến bán đảo này nhiều lần trở thành nạn nhân của các vụ phá hoại cáp điện của các phần tử lực lượng thân Ukraine gây mất điện diện rộng. |
Cuối tháng 12/2015, đúng 1 ngày sau khi EU quyết định mở rộng lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng, Bộ Tài chính Mỹ quyết định cấm vận thêm 34 cá nhân và tổ chức Nga. Không chỉ có vậy, tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ còn cho biết, Washington sẽ không ngừng trừng phạt đến khi Moscow thực hiện đầy đủ những cam kết của nước này theo thỏa thuận Minsk, trong đó “bao gồm trao trả quyền kiểm soát biên giới của Ukraine với Nga”.
Như vậy có thể hiểu, chuyện “bằng mặt không bằng lòng” giữa các nhà lãnh đạo Nga - Mỹ và các thành viên ủng hộ của mỗi bên trong các sự kiện toàn cầu sẽ còn diễn ra dài dài, và cũng chưa thể dự đoán thời điểm kết thúc. Và tất nhiên, tình cảm nóng - lạnh, cân bằng - hay căng thẳng giữa Washington và Moscow không thể không bị chi phối bởi yếu tố Ukraine, trong đó có vấn đề Crimea.
Xây dựng “cầu Putin”: Sứ mệnh lịch sử gặp "khó đủ đường"
Từ cuối năm 2015, tình hình quốc tế quá nhiều biến động. Dần thất thế ở chiến trường Trung Đông (Syria, Iraq), nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) điên cuồng đẩy lực lượng sang những khu vực khác. Chỉ trong vài tháng gần đây, hàng loạt vụ tấn công khủng bố đã xảy ra ở các nước châu Âu, châu Á gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân toàn thế giới. Châu Âu thì đau đầu vì Vương quốc Anh một mực Brexit khiến thị trường trở nên hỗn loạn. Còn châu Á - Thái Bình Dương lại dành mối quan tâm đặc biệt cho vụ kiện Biển Đông…
Với nước Nga, trong khi Tổng thống Putin sẵn sàng “mở lòng” đón nhận lời xin lỗi từ phía Tổng thống Erdogan về việc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga ở biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái, thì với Ukraine, căng thẳng ngày càng leo thang.
Đầu tháng 8/2016, Ukraine từ chối ông Mikhail Babich - ứng cử viên Đại sứ mới của Nga tại Kiev song không hề đưa ra lý do. Đáp lại, Điện Kremlin cho biết vẫn bảo lưu đề xuất ông Babich cho vị trí này; đồng thời khẳng định, cấp độ quan hệ ngoại giao của Moscow và Kiev tùy thuộc vào quyết định của Ukraine! (Hiện, Ukraine chỉ cử đại diện ngoại giao tạm thời tại Nga).
Cầu Kerch nối Crimea với đất mẹ Nga, giúp thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ukraine
Chưa hết, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) lại vừa ra thông báo chính thức về việc 2 quân nhân Nga đã thiệt mạng trong quá trình ngăn chặn các vụ khủng bố ở Crimea. Nội dung bản tin đăng tải trên website của FSB nêu rõ: “FSB đã ngăn chặn được việc thực hiện ở Crimea các vụ tấn công khủng bố do Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine chuẩn bị. Mục tiêu của các vụ tấn công này là các cơ sở hạ tầng và hệ thống đảm bảo cuộc sống đặc biệt quan trọng trên bán đảo Crimea”.
Quả thực, thông tin của FSB chẳng khác nào giọt nước tràn ly cho quan hệ Moscow - Kiev. Nhưng những nhà phân tích quan tâm đặc biệt đến vấn đề Nga - Ukraine thì cho rằng, việc Tổng thống Putin quyết tâm thực hiện dự án xây dựng cây cầu qua eo biển Kerch để nối Crimea với đất liền Nga, nhằm cắt đứt sự phụ thuộc vào Ukraine mới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hàng loạt sự cố vừa qua.
Tổng thống Putin:“Ukraine đã chọn khủng bố thay cho hòa bình”!
Krasnodar Krai có trung tâm hành chính là thành phố Krasnodar. Thành phố Krasnodar nằm ở miền nam nước Nga còn được coi là vựa lúa mì của xứ Bạch Dương. Nhắc đến Krasnodar Krai không thể bỏ qua Sochi - Thủ đô mùa hè của Nga, hay Viên ngọc trai Biển Đen. Đây là khu vực du lịch biển mùa hè lớn nhất và bận rộn nhất của nước Nga. Sochi nằm dọc theo bờ Biển Đen, cách Moscow khoảng 1.600km về phía nam. |
Với tầm nhìn chiến lược, Tổng thống Putin đánh giá, đây là cây cầu sẽ tạo kết nối cả về đường bộ và đường sắt giữa Crimea và Krasnodar Krai, giúp hợp nhất Crimea với Nga, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho bán đảo này. Ông nhấn mạnh, đó là nhiệm vụ lịch sử mà những người đi trước vốn hiểu rõ tầm quan trọng của nó đã không hoàn thành. Cầu Kerch còn được gọi là cầu Putin hàm ý chỉ sự quyết tâm của ông trong nỗ lực đưa Crimea nối với đất mẹ Nga.
Thế nhưng, trong khi Điện Kremlin quyết tâm xây dựng cầu Putin, rất nhiều vấn đề đã xảy ra gây ảnh hướng nghiêm trọng cho mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước. Và mới đây, sau sự kiện 2 quân nhân Nga thiệt mạng trên đất Crimea, Tổng thống Putin đã đưa ra lời tuyên bố đầy đe dọa: “Ukraine đã chọn khủng bố thay cho hòa bình”!
Tất nhiên, đó mới chỉ là một phần quan trọng liên quan đến đề án nói trên. Còn điều “đầu tiên” mà có lẽ ngay bản thân Tổng thống Putin cũng nhận ra được đó là, xây dựng cầu Kerch dự án kỳ vĩ về quy mô, độ phức tạp và thời hạn thi công, và đặc biệt tiêu tốn nhiều tiền của. Mốc thông luồng trên cầu Kerch dự kiến vào cuối năm 2018. Nhưng mới đây, nhà thầu chính Stroygazmontazh trình lên Tổng thống yêu cầu lùi hạn hoàn thành xây cầu thêm một năm (tới cuối năm 2019) do vấn đề kỹ thuật phức tạp.