Căng thẳng Iran - Mỹ: Không có đột phá của Liên hợp quốc

Trâm Anh (theo AFP)| 26/09/2019 09:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Iran hôm thứ Tư đã không ngỏ lời gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump bất chấp những nỗ lực vào phút cuối của châu Âu nhằm giảm bớt căng thẳng khi Mỹ một lần nữa đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt.

Iran từ chối các cuộc đàm phán trong khi khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tích cực “chạy qua lại” giữa Mỹ và Iran trong hai ngày qua tại Liên hợp quốc, cố gắng sắp xếp một cuộc gặp gỡ lịch sử mà ông hy vọng có thể làm giảm nguy cơ chiến tranh toàn diện ở Trung Đông. Nhưng Tổng thống Iran Hassan Rouhani, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, cho biết ông sẽ từ chối các cuộc đàm phán nếu Hoa Kỳ duy trì áp lực kinh tế. "Tôi muốn tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào do ép buộc của lệnh trừng phạt", ông Rouhani nói.

Ông nghi ngờ sự chân thành của chính quyền Trump khi đàm phán, chỉ trích các quan chức chính phủ Mỹ khi tự hào về việc áp dụng "các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử" đối với Iran. "Làm sao có thể tin họ - các quan chức chính phủ Mỹ - khi sự giết hại thầm lặng của một quốc gia lớn gây áp lực lên cuộc sống của 83 triệu người Iran, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, lại được họ hoan nghênh như vậy?"

Căng thẳng Iran - Mỹ: Không có đột phá của Liên hợp quốc

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố chỉ đàm phán với Hoa Kỳ khi các biện pháp trừng phạt được nới lỏng

Nhắm Iran qua Trung Quốc

Trump không những đã từ chối việc giảm bớt áp lực kinh tế lên Iran mà vài giờ trước bài phát biểu của ông Rouhani, chính quyền của ông còn tuyên bố rằng họ đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt.

Vào ngày dự kiến cuối cùng của Trump tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa các nhà lãnh đạo thế giới của Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ sẽ trừng phạt các công ty Trung Quốc và giám đốc điều hành của họ vì đã mua dầu của Iran. "Chúng tôi muốn Trung Quốc và tất cả các quốc gia biết rằng, Mỹ sẽ xử phạt mọi mọi hoạt động vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ lên Iran", ông Pompeo nói với một nhóm phản đối biện pháp trừng phạt của Mỹ lên Iran bên lề Liên hợp quốc.

Căng thẳng Iran - Mỹ: Không có đột phá của Liên hợp quốc

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (trái) tuyên bố các lệnh trừng phạt mới đối với dầu của Iran

Trung Quốc, vốn vẫn đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại cũng như vô số tranh chấp khác với Hoa Kỳ, được cho là khách hàng nước ngoài lớn nhất của Iran.

Chính quyền Trump hồi tháng Năm cho biết họ sẽ đơn phương buộc tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran, mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, khiến căng thẳng tăng vọt.

Hoa Kỳ đổ lỗi cho Iran về một cuộc tấn công vào đầu tháng này đối với hai nhà máy dầu mỏ của Arab Saudi. Pháp, Anh và Đức cũng cùng quan điểm như vậy. "Một số người đã nói rằng các nước này đã hùa vào với Hoa Kỳ, tôi thì nghĩ rằng họ tin vào sự thật", ông Pompeo nói về người châu Âu.

Căng thẳng Iran - Mỹ: Không có đột phá của Liên hợp quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Liên hợp quốc, nơi ông chỉ trích Iran và Trung Quốc

Tìm kiếm thỏa thuận cứu cánh

Các cường quốc châu Âu, trong khi chỉ trích Iran, tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để tiến về phía trước. Người châu Âu vẫn là một phần của thỏa thuận hạt nhân do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đàm phán, theo đó Iran đã giảm mạnh chương trình hạt nhân để đổi lấy những lời hứa dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini công nhận các cuộc đấu tranh để cứu vãn hiệp ước mà Iran đã ngừng tuân thủ nghiêm ngặt khi nước này bị chèn ép về kinh tế. "Tôi sẽ không che giấu rằng việc này ngày càng khó hơn", cô nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm giữa các cường quốc châu Âu. "Chúng tôi sẽ cố gắng và tiếp tục giữ được thỏa thuận và vượt qua những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải", cô nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói rằng ít nhất đã có những tiến bộ trong việc tiến tới ngoại giao. "Việc tất cả các bên về cơ bản sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán - phía Iran cũng như phía Mỹ - là một tín hiệu tích cực", ông nói. "Bây giờ là về các điều kiện," ông nói. "Và điều này sẽ không dễ dàng".

Sau nhiều tuần suy đoán về một cuộc họp có thể diễn ra, mối quan tâm của Trump hiện có thể đang đặt ở nơi khác. Các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ hôm thứ ba tuyên bố rằng họ đang mở một cuộc điều tra luận tội chống lại ông về những cáo buộc rằng ông đã gây áp lực lên Tổng thống Ukraine để điều tra con trai của Joe Biden, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ đang tìm cách thách thức ông trong cuộc bầu cử năm tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng Iran - Mỹ: Không có đột phá của Liên hợp quốc