Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan quản lý và ảnh hưởng đến lợi ích của hàng vạn lao động.
Tại Quảng Ngãi hiện có hơn 500 doanh nghiệp đang nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với tổng số tiền gần 160 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm tăng dần theo mỗi năm và xu hướng tăng mạnh trong 2 năm gần đây. Năm 2018, tổng số nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi gần 100 tỷ đồng, thì đến nay tăng lên gần 160 tỷ đồng. Có gần 200 doanh nghiệp nợ từ 6 tháng trở lên, có doanh nghiệp thời gian nợ kéo dài gần 130 tháng.
Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP.Hà Nội cũng đang có xu hướng gia tăng, với số tiền lớn, diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành vi trốn, nợ đóng bảo hiểm lại đang gặp khó khăn, chưa hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2019, liên ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 2.119 cuộc thanh tra, kiểm tra đơn vị, với tổng số tiền nợ 397 tỉ đồng, thu hồi được 218 tỉ đồng (đạt 49,5%), xử phạt hành vi chậm đóng BHXH tại 11 đơn vị, với số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng.
Cụ thể, năm 2018, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gồm thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố tiến hành thanh tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội đối với 65 đơn vị sử dụng lao động, tổng số tiền xử phạt là 6,2 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2019, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội đối với 23 đơn vị sử dụng lao động, tổng số tiền xử phạt là 2,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết tháng 6 năm 2019, 88 đơn vị sử dụng lao động nói trên vẫn chưa chấp hành trách nhiệm xử phạt, tiếp tục nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên tới gần 200 tỷ đồng. Đáng lưu ý, một số đơn vị nợ BHXH trong tình trạng kéo dài nhiều năm, số tiền nợ lớn.
Theo BHXH Hà Nội, nguyên nhân số tiền nợ tăng cao là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động…chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật. Thực trạng trên cho thấy ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT của những chủ sử dụng lao động này chưa nghiêm túc, thậm chí coi thường pháp luật. Bản thân nhiều người lao động làm việc trong các đơn vị cũng chưa nhận thức đúng, đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm tham gia bảo hiểm.
BHXH Hà Nội cho rằng, để khắc phục, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có các biện pháp xử lý mạnh hơn nữa để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan bảo hiểm xã hội đề nghị các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.