Những con số “khủng” đến phi lý trong các giao dịch mua bán lan đột biến đang tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng” một cách hiện hữu. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn.
Những ngày qua câu chuyện lan đột biến từ một thú chơi tao nhã thường nhật đang trở thành hiện tượng làm khuynh đảo thị trường, dư luận bất an. Vẻ đẹp mới mẻ, kỳ diệu của những giò lan đột biến không chỉ khiến chủ nhân của chúng, người chiêm ngưỡng lần đầu và cả những người vốn say mê loài hoa cao quý này chưa kịp hoan hỷ mừng vui, thì cũng đã “sốc ngược” với mức giá “khủng” trăm tỷ như cây Lan 250 tỷ đồng và gần 300 tỷ đồng của người chơi ở Quảng Ninh, cây Lan Ngọc Sơn Cước 250 tỷ đồng của đại gia Hải Phòng, rồi cây Lan 200 tỷ đồng của một đại gia ở Hòa Bình...
Những “cơn sốt ” lan đột biến lan nhanh từ Phú Thọ đến tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, vào cả Tây Nguyên vẫn đang ngày càng phô trương rộng rãi và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt kèm theo những vụ “đấu giá” với số tiền ‘khét lẹt”.
Không khó để nhận ra hoạt động mua bán lan đột biến thời gian qua chủ yếu là những chiêu trò “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo của một số đối tượng, dưới hình thức các bên mua đi bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao. Điều này sẽ kích thích người sau mua với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế. Ngoài ra, không loại trừ đây còn có thể chỉ là các “chiêu trò đánh bóng tên tuổi” của các đối tượng, trên thực tế còn không diễn ra các giao dịch mua bán.
Được biết, trên thế giới từng có không ít các nhà sưu tập tham gia đấu giá nhiều sản phẩm với số tiền “khủng” như bức tranh "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci có giá lên đến 450 triệu đô la Mỹ (khoảng 10.000 tỷ đồng), chai rượu whisky Maccalan giá 1 triệu đô la Mỹ (hơn 23 tỷ), hay là một cây tùng bonsai cổ thụ hơn 300 năm tuổi của Nhật Bản được mua với giá 1,3 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, những thứ này vốn đã được khẳng định về giá trị lịch sử, nghệ thuật và có tính độc nhất vô nhị, không thể nhân bản.
Song thật khác xa khi nhìn vào câu chuyện lan đột biến của ta, xuất hiện như một hiện tượng nhưng chưa hề được khẳng định giá trị đích thực. Cho đến nay chưa cơ quan nào kiểm định, cấp giấy chứng nhận hay công nhận về giá trị thị trường tiền tỷ của những cây Lan đột biến, mà toàn chỉ thấy những giao dịch (hoặc có, hoặc không) khiến người xem, người nghe bị lóa mắt và hoang mang đến cực điểm. Nực cười hơn là trước những ảo ảnh đó, sự thật là không ít người đã vay mượn, bán tài sản, huy động người thân dốc tiền vào mua hoặc đầu tư khiến gia cảnh lâm vào kiệt quệ.
Những con số “khủng” đến phi lý trong các giao dịch mua bán lan đột biến đang tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng” một cách hiện hữu, giống như “bong bóng” hoa tulip vỡ vụn đã từng xảy ra tại Hà Lan cách đây mấy thế kỷ.
Mà chẳng đâu xa, những bài học đắt giá về cây gỗ sưa, cây sanh cảnh được 'thổi giá" từ vài trăm nghìn lên chục triệu, trăm triệu và cả tỷ đồng. Hệ quả là đã có không ít người dân đổ tiền đầu tư vào cây sanh cảnh để rồi rơi vào cảnh nợ nần, mất nhà, mất đất diễn ra ở nước ta vẫn còn "nóng hổi".
Thời gian qua nhiều vụ mua bán khống lan đột biến nhằm lừa gạt, gây nhiễu loạn thị trường. Nhiều vụ lừa đảo liên quan loài hoa này đã và đang xảy ra gây ra những tổn thất nặng nề cho người dân, ảnh lớn đến đời sống xã hội và gây rủi ro lớn cho nền kinh tế. Vì thế, các ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ hơn.
Lan là sản phẩm nông nghiệp vì vậy, đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần vào cuộc rà soát nghiên cứu về lan đột biến có mặt trên thị trường mấy năm gần đây, nếu đủ cơ sở khoa học và thực tiễn cần tiến hành cấp thủ tục công nhận như một sản phẩm hàng hóa, có tính pháp lý, và các thông tin giao dịch minh bạch, đóng thuế theo quy định.
Những vụ giao dịch về lan đột biến hiện nay thường được “thổi” với mức giá “khủng” phô trương rậm rộ trên mạng. Vô hình chung mạng xã hội trở thành công cụ đắc lực cho các đối tượng lừa đảo. Vì vậy, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cũng cần siết chặt việc kiểm duyệt thông tin nhằm ngăn chặn, hạn chế việc phát tán thông tin lừa đảo về lan đột biến. Trường hợp phát hiện có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng hoặc đưa, truyền dữ liệu trái phép trên mạng Internet cần xử lý thật nghiêm.
Bên cạnh đó, trước những giao dịch bất thường, cơ quan công an có thể vào cuộc xác minh làm rõ động cơ mục đích, làm rõ hành vi và đánh giá hậu quả đối với xã hội để có căn cứ xử lý.
Với các giao dịch mua bán lan đột biến với giá bất thường, cơ quan thuế và cảnh sát kinh tế cần có trách nhiệm làm rõ để truy thu thuế cho Nhà nước. Trường hợp có hành vi “Trốn thuế” thì có thể xử lý hình sự về tội trốn thuế theo quy định của Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015.
Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hộ trồng lan trong đia phương xem có giao dịch lớn hay không và đó là thật hay giả. Đồng thời phối hợp với quỹ tín dụng của xã để thắt chặt việc vay vốn, xác minh hồ sơ vay chặt chẽ, nghiêm túc để tránh hậu quả không hay.
Đặc biệt, về phía người dân cần tỉnh táo khi tiếp nhận những thông tin liên quan đến các giao dịch về lan đột biến. Từ đó cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư để tránh việc “tiền mất tật mang”.