Cần thiết thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ

Mai Thoa| 16/10/2016 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là đề xuất quan trọng được đưa ra tại buổi tọa đàm Tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ do TANDTC tổ chức mới đây.

Đề xuất này được cho là cần thiết khi mà tranh chấp về sở hữu trí tuệ hiện chiếm tỷ lệ khá lớn trong giải quyết tranh chấp dân sự.

Số vụ án thụ lý không phản ánh đúng tình hình

Thực tiễn những năm qua cho thấy, có rất ít những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được đưa ra giải quyết tại Tòa án - điều này không phản ánh đúng tình hình tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trong đời sống xã hội hiện tại.

Theo thống kê của TANDTC, việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ từ năm 2000-2005 của Tòa án các cấp bao gồm: Thụ lý 93 vụ, đã giải quyết 61 vụ, trong đó tạm đình chỉ, đình chỉ rút đơn khởi kiện là 16 vụ, hòa giải thành là 12 vụ, đưa ra xét xử là 33 vụ (bao gồm 11 vụ tranh chấp về quyền tác giả, 22 vụ tranh chấp về sở hữu công nghiệp). Riêng từ năm 2012 đến nay, việc giải quyết các vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ đã tăng đến gần 200 vụ, số lượng đã tăng nhưng số vụ việc tranh chấp về sở hữu trí tuệ được Tòa án giải quyết trung bình mỗi năm cũng chỉ được khoảng 50 vụ.

Như vậy, so với hàng ngàn vụ việc khác nhau được xử lý bởi các cơ quan hành chính từ quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, hải quan... thì số lượng giải quyết tranh chấp tại Tòa án về sở hữu trí tuệ là tương đối thấp.

Cần thiết thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ

Một phiên tòa về sở hữu trí tuệ

Theo quy định tại Điều 203 BLTTDS, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với vụ án dân sự là 4 tháng, đối với các vụ án kinh doanh - thương mại là 2 tháng, kể từ ngày Tòa thụ lý vụ án. Đối với những vụ án phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng đối với vụ án dân sự và 1 tháng đối với vụ án kinh doanh thương mại. Trên thực tế qua nghiên cứu các vụ án cho thấy, đa số các vụ án giải quyết tranh chấp tại Tòa án thường bị kéo dài. Xuất phát từ tính đặc thù của các tranh chấp sở hữu trí tuệ là loại việc tương đối phức tạp, đòi hỏi trong quá trình giải quyết các Tòa án thường phải trưng cầu ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan đến kết luận đối với hành vi xâm phạm, nên trong nhiều trường hợp Tòa án phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thậm chí nhiều vụ án phải xét xử lại sơ thẩm, phúc thẩm nhiều lần. Nhiều trường hợp Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do chờ kết quả của cơ quan chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam và do tính phức tạp và đa dạng của các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nên một số Thẩm phán gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết những vụ án này (đặc biệt là các vụ án tranh chấp về quyền tác giả, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp…). Bên cạnh đó, việc nhìn nhận, đánh giá về các hành vi xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan chức năng nhiều khi không thống nhất quan điểm; cùng một vụ việc nhưng mỗi cơ quan kết luận khác nhau, gây khó khăn cho Tòa án. Và cũng chính vì sự thiếu thống nhất về quan điểm giữa các cơ quan chức năng dẫn đến trường hợp sau khi có phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, các bên đương sự viện dẫn các ý kiến đối lập với loại ý kiến được tham khảo để ra phán quyết để có đơn kháng cáo hoặc đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm, gây ra khiếu kiện kéo dài.

Cần thành lập Tòa chuyên trách

Một khó khăn nữa mà ông Tiến nêu ra, là xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra và các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Luật Sở hữu trí tuệ quy định nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm sở hữu trí tuệ và căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng do tính chất đặc thù của loại tài sản này nên nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại hoặc xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế. Các căn cứ để xác định thiệt hại vật chất như mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, cơ hội kinh doanh, danh dự, nhân phẩm và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học…theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trên thực tế là rất khó để xác định một cách chính xác đầy đủ.

Việc xác định chi phí hợp lý để thuê luật sư cũng khó khăn, vì chỉ có Luật Sở hữu trí tuệ mới có quy định bên có hành vi vi phạm phải thanh toán cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khoản chi phí thuê luật sư trong các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, còn trong các vụ án khác không phải chịu và như thế nào được coi là chi phí hợp lý rất khó xác định. Do vậy, khi giải quyết vấn đề này, Tòa án đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại để có được phán quyết chính xác, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự.

Theo TS. Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các vụ án về sở hữu trí tuệ ít được giải quyết tại Tòa án, trong đó có nguyên nhân thời gian xử lý các vụ việc quá lâu; thủ tục giấy tờ khởi kiện phức tạp, đặc biệt trong trường hợp bên khởi kiện là doanh nghiệp nước ngoài; các biện pháp ngăn chặn ngay lập tức hành vi xâm phạm theo biện pháp dân sự rất khó áp dụng và ít hiệu quả. Đặc biệt, năng lực chuyên môn về sở hữu trí tuệ của Thẩm phán còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu hụt Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ cũng như không có Thẩm phán chuyên trách về lĩnh vực này. Việc đào tạo, tập huấn chuyên môn về sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ và có hiệu quả thấp; vẫn còn có tình trạng người được tập huấn thì không phải là người xét xử trực tiếp, hoặc ngược lại…

Vì vậy, theo TS. Lê Ngọc Lâm, cần phải thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, tập trung các Thẩm phán đào tạo về chuyên môn này để xét xử những vụ án đó. Trong trường hợp thành lập Tòa chuyên trách là chưa khả thi ở thời điểm hiện tại, thì trong trung hạn thì cũng nên có Thẩm phán chuyên trách tại các Tòa án. Ông Lâm cũng khẳng định, Cục Sở hữu trí tuệ sẵn sàng phối hợp với Tòa án trong việc tổ chức các lớp chuyên biệt và chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho các Thẩm phán ở tỉnh/thành phố, kể cả đào tạo ở nước ngoài, có như vậy việc xử các vụ việc về sở hữu trí tuệ tại Tòa án mới hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ