Cần thích ứng với biến đổi khí hậu

congly.com.vn| 13/04/2012 10:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại tỉnh Bến Tre, trong hai ngày 5 và 6- 6- 2011 Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tổng cục Biển và Hải đảo, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam đã tổ chức diễn đàn: “Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” lần 3 với chủ đề “Quản lý thích ứng trong ứng phó với biến đổi khí h�

Rừng đước 10 năm tuổi được trồng tại Khu Bảo tồn Thạnh Phú (Bến Tre)

Tác động kép đối với ĐBSCL rất lớn

Theo các nhà khoa học, Việt Nam sẽ là một trong năm nước trên thế giới dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ĐBSCL là một trong ba vùng châu thổ trên thế giới được xếp vào nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Theo kịch bản quốc gia năm 2010, đến năm 2075 mực nước biển dâng lên 50cm, ĐBSCL sẽ có đến 10,55% diện tích tự nhiên bị ngập do nước biển dâng. GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường cho biết: Theo kịch bản, nếu nước biển tăng 1m vào năm 2100 thì khoảng 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế ước tính 10% GDP.

Mực nước biển tăng kết hợp với tăng lượng mưa vào mùa mưa tác động nghiêm trọng đến các vùng đất thấp, ven biển, khoảng 40.000km2 châu thổ bị ngập, trong đó 90% châu thổ ĐBSCL, làm 18 triệu người (22% dân số) bị ảnh hưởng. Theo đó, các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Theo ông Đoàn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre: Bến Tre có diện tích trên 2,3 triệu km2, dân số 1,2 triệu người, trên 90% diện tích có độ cao địa hình dưới 2m trên mực nước biển; ở mức nước biển dâng 12cm vào năm 2020, theo tỷ lệ ngập, huyện Thạnh Phú có diện tích ngập nhiều nhất; ở mức nước biển dâng 30cm vào năm 2050, huyện Thạnh Phú, Mỏ cày bị thiệt hại nhiều nhất, sau đó là huyện Bình Đại.

Cùng với việc nước biển dâng, ĐBSCL còn bị tác động tiêu cực từ các đập thủy điện đầu nguồn sông Mêkông. Giáo sư Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, cho biết: Theo kế hoạch đã được Chính phủ Trung Quốc thông qua thì đến năm 2020 quốc gia này sẽ xây dựng 8 nhà máy thủy điện ở đầu nguồn sông Mêkông. Tại vùng hạ lưu Mêkông, các nước Lào, Thái Lan và Campuchia dự kiến xây dựng từ 11 đến 12 bậc thang thủy điện trên dòng chính Mêkông (Lào: từ 7 đến 8 cái; Thái Lan: 2; Campuchia: 2).

Việc xây dựng 12 công trình thủy điện trên dòng chính Mêkông ở hạ lưu đã dấy lên mối lo ngại sâu sắc của các quốc gia trong lưu vực và trên thế giới. Nếu kế hoạch này được thực hiện sẽ đe dọa trực tiếp đến đời sống của gần 20 triệu dân ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai, đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực. Bởi vì các đập thủy điện này đã làm 50% chiều dài của sông Mêkông (hạ) thành các vùng hồ nước, lượng phù sa lớn sẽ lắng đọng các vùng hồ, làm giảm phù sa hạ lưu, gây nên hàng loạt tác động đến châu thổ ĐBSCL. Mới đây, trước sự phản ứng quốc tế rộng rãi, ngày 24-4-2011, Chính phủ Lào đã thông báo hoãn xây dựng đập thủy điện Xayabouni trên dòng chính Mêkông.

ĐBSCL cần có những giải pháp thích ứng

Đứng trước sự biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến ĐBSCL, chúng ta không còn cách nào khác là phải thích ứng và tìm ra những giải pháp chung cho toàn bộ khu vực ĐBSCL. Tại diễn đàn, nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển đã được giới thiệu để nhân rộng ra các tỉnh trong khu vực, như: Mô hình khai thác nghêu, sò gắn chặt với việc trồng rừng ven biển của Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre); mô hình xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu (cơ cấu sản xuất: tôm + cua + lúa) của xã Long Hòa (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh).

Một giải pháp có hiệu quả được đưa ra là cần khôi phục và phát triển rừng ngập mặn tại các vùng ven biển. Từ lâu, rừng ngập mặn ở ĐBSCL đã trở thành “lá chắn thần kỳ” trong việc phát triển kinh tế xã hội. Diện tích rừng ngập mặn đã bị tàn phá trong chiến tranh và sau đó nhiều năm đã bị khai thác không kiểm soát. Vì vậy, phát triển rừng ngập mặn ven biển, gắn việc trồng rừng và bảo tồn, phát triển kinh tế, trồng rừng gắn với việc khai thác nguồn lợi thủy sản sẽ là cách phát triển bền vững nhất.

Trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, theo các nhà khoa học, cần xây dựng khu dự trữ sinh quyển. Đây là mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu rất thành công ở các nước phát triển. Khu dự trữ sinh quyển phải có ba vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Vùng lõi, để bảo tồn.

Các vùng đệm bao quanh vùng lõi được phát triển kinh tế trên cơ sở bền vững sinh thái, như: du lịch, môi trường. Vùng chuyển tiếp phía ngoài cùng thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, nông nghiệp bền vững. Việc xây dựng khu dự trữ sinh quyển ở ĐBSCL không chỉ góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn là bảo tồn đi đôi với phát triển kinh tế trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.

NGUYỄN LINH GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thích ứng với biến đổi khí hậu